Rêu đá: "Thần dược" tăng tuổi thọ cho đồng bào miền sơn cước

Ngày đăng: 12/05/2016
5,820 Read
196 Share
Tin8 - Ngày xưa, rêu đá chỉ là món ăn để cứu đói, nhưng bây giờ nó đã trở thành đặc sản của vùng đất Hà Giang. Những cụ đại thọ ở miền rẻo cao này cho biết họ có được sức khỏe và sự minh mẫn để “sống tốt” đến giờ này là nhờ thường xuyên ăn món rêu đá.

đặc sản rêu đá

Những cây rêu mọc trên các mỏm đá ở con suối đang là món ăn đặc sản của người miền xuôi và là "thần dược" tăng tuổi thọ của người dân vùng rẻo cao - Ảnh: Internet

Thôn Trung (xã Xuân Quang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) còn được gọi bằng cái tên khác là “ngôi làng trường thọ” bởi ở đây có khá nhiều người đang ở độ từ 100 tuổi trở lên. Các cụ nói rằng mình chẳng có bí quyết gì cao xa, chỉ là nhờ ăn món rêu đá hằng ngày nên mới có nhiều sức khỏe và sự minh mẫn để sống cùng con cháu đến giờ này.

Đường đến thôn Trung nằm song song với một con suối lớn. Ban ngày, hai bên bờ suối luôn có nhiều người mò rêu mang về chế biến thức ăn.

Có lẽ với người Kinh, món rêu đá còn khá xa lạ nhưng với đồng bào Tày, Nùng (cư dân chủ yếu ở thôn Trung) thì món ăn này là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình. Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món mang hương vị khác nhau như luộc, nấu canh, trộn gỏi, làm nộm…thậm chí là ăn sống.

Rêu mọc hoàn toàn tự nhiên ở những mỏm đá nằm sâu dưới lòng suối nước trong veo. Bà con trong thôn không biết đồng bào mình bắt đầu ăn món rêu đá từ khi nào nhưng họ luôn tin và truyền miệng nhau câu chuyện về “Thần Rêu”.

rêu đá

Người rửa rêu đá phải thật sự tỉ mỉ để loại bỏ hết sạn cát trong cây rêu - Ảnh: Internet

"Vị thần" này đã sinh ra con người ở thôn Trung nên ai cũng phải có nghĩa vụ tạo điều kiện cho cây rêu sinh sôi, nảy nở tốt trong tự nhiên. Vì thế, người trong thôn không phân biệt già, trẻ, trai, gái, ai cũng thương quý cây rêu và coi nó như một phần linh hồn ở thôn Trung.

Theo lời kể của cụ bà Hoàng Thị Miện (bậc cao niên ở vùng đất này) thì thời bà còn nhỏ, rêu đá chỉ là món ăn được trộn vào cơm để cứu đói cho gia đình và dân làng. Mặc dù vậy, sức khỏe của người dân trong làng rất tốt, ai cũng đi phăm phăm đi rừng cả ngày trời mà không thấy mỏi mệt.

Già làng ở thôn Trung cho biết thêm, “Thần Rêu” đã trở thành một nét văn hóa, phong tục và lối sống của đồng bào . Bởi thế, trong các dịp giỗ Tết, cúng bái, ai cũng nhắc đến tên “Thần Rêu” để cầu mong mùa màng bội thu, cây rêu sinh sôi tốt.

Không chỉ thế, khi gia đình nào có ma chay, bố mẹ chết đi thì những đứa con trong nhà phải kiêng ăn rêu trong 1 tháng bởi quan niệm nếu ăn rêu trong thời gian này là đồng nghĩa với việc gặm nhấm mái tóc của người mẹ, người cha vừa mới từ trần.

Món ăn cứu đói trở thành đặc sản

rêu đá nướng

Rêu đá nướng là món đặc sản dành cho những người sành ăn - Ảnh: Internet

Là món ăn phổ biến của đồng bào Tày, Nùng nơi rẻo cao nên hầu như nhà nào cũng biết cách “thu hoạch” và chế biến món rêu đá độc đáo này.

Theo gợi ý của một phụ nữ trong làng thì công đoạn sơ chế rêu mất khá nhiều thời gian vì thân rêu thường bám nhiều sạn, cát. Để học cách làm món rêu, trước tiên bạn phải biết cách lấy rêu từ suối lên. Thông thường, rêu lấy từ phía thượng nguồn con suối sẽ ngon hơn rêu mọc phía dưới.

Người rửa rêu phải thật sự kiên nhẫn và tỉ mỉ nếu muốn có được những cây rêu sạch, ngon, không vướng cát, sạn khi ăn. Dù làm món gì đi nữa thì bạn cũng phải tuân theo công đoạn sơ chế này.

Các cụ ngày xưa hay dùng đá để đập và rửa sạch cát trong rêu. Ngày nay, người ta cho vào cối giã ra rồi mới cho gia vị vào để nấu nướng. Những người sành ăn hay nướng nêu trên bếp than hồng để nước trong thân rêu chảy ra hết, chỉ còn lại mùi rêu hòa lẫn với vị mặn ngọt của đồ nêm. Người miền xuôi ăn một lần là quyến luyến mãi hương vị ấy.

KHÁNH HÒA (Tin8)

5,820 Read
196 Share
(368)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang