Bữa ăn bình dân đáng giá gần 1,5 triệu đồng tại một nhà hàng trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội - Ảnh minh họa: Internet
Bữa cơm bụi có giá cắt cổ này nằm trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Cụ thể: khăn bông 16.000 đồng/2 chiếc, nước đỗ đen 78.000 đồng/bình, rau sống cộng nước sốt giá 185.000 đồng, rau tầm bóp giá 180.000 đồng/đĩa, giò tai 235.000 đồng/đĩa, cơm gang 235.000 đồng/nồi, sườn rang riềng 280.000 đồng/đĩa và tôm nấu rau tập tàng giá 280.000 đồng/âu. Tổng số tiền chị Nguyen Thi Thao phải trả cho bữa ăn bình dân của hai người lên đến 1.494.000 đồng.
Khi hóa đơn này đăng tải trên Facebook, nhiều người dùng khác cũng đã bức xúc và để lại lời bình luận như “Chị đã bị nhà hàng chém không thương tiếc. Những món ăn trong hóa đơn chủ yếu là rau bình thường mà lại tính với mức giá cao ngất ngưởng”. Nhiều ý kiến khác cũng đồng quan điểm với bình luận trên và cho rằng tình trạng nhà hàng, quán ăn “chặt chém” khách hàng đang trở thành phổ biến ở Hà Nội, đặc biệt là những điểm du lịch.
Hóa đơn của thành viên facebook Nguyen Thi Thao chụp tại nhà hàng - Ảnh: Facebook
Trong khi đó, chị Dung - quản lý nhà hàng bị chị Thao phản ánh cho rằng đó là mức giá rất bình thường so với mặt bằng chung ở đây. Theo chị Dung, tất cả những món ăn liệt kê trong hóa đơn đều là những món thuần Việt. Nguyên liệu dùng để chế biến rất khó tìm. Hơn nữa, nhà hàng kinh doanh theo cách tính trọn gói chứ không chỉ tính đơn giá món ăn khách hàng sử dụng. Chị Dung lý giải mức giá gần 1,5 triệu đồng đó là đã bao gồm phí món ăn, phí được phục vụ nhiệt tình, phí được ngồi phòng riêng, phí thưởng thức nhạc cổ điển trong khi dùng món…Quản lý nhà hàng này còn phân trần thêm rằng khi khách hàng sử dụng dịch vụ ở những địa điểm khác nhau thì mức giá sẽ khác nhau. Giá thịt ở chợ khác với giá thịt ở nhà hàng hoặc ăn lẩu vỉa hè khác với lẩu trong nhà hàng, khách sạn. Có khi món ăn ở mỗi nơi chênh lệch nhau từ 100.000 đến 200.000 đồng/món là điều rất bình thường.
Để tránh phiền phức, chị Nguyen Thi Thao đành phải “bấm bụng” thanh toán đủ số tiền thông báo trong hóa đơn. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra còn bao nhiêu nhà hàng vô tư “chặt chém” khách hàng như nhà hàng trên? Và liệu ngoài chị Thao, còn bao nhiêu người phải chịu ấm ức khi đến những nhà hàng này. Và liệu rằng, trong số những khách hàng đó, có bao nhiêu người là khách du lịch quốc tế? Hình ảnh du lịch của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ để lại ấn tượng thế nào với bạn bè thế giới?
Về phần người tiêu dùng, để hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp bị ép giá, chúng ta nên tham khảo trước thông tin về nơi mình sắp đến ăn uống. Hầu như tất cả mọi thông tin phản hồi của những người đã sử dụng dịch vụ trước đó đều xuất hiện trên mạng internet. Đó là những thông tin khách quan nhất để chúng ta tìm hiểu. Ngoài ra, khách nên mạnh dạn hỏi kỹ mức giá của nhà hàng/quán ăn hoặc điểm đến trước khi quyết định sử dụng.
KHÁNH HÒA (Tin8)