Rất đông người đến xếp hàng chờ để đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (sáng 7/7/2017). Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã tích cực tổ chức triển khai, chỉ đạo, xây dựng văn bản, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm quá tải bệnh viện. Đến nay, sau 5 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tải bệnh viện đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện đúng tiến độ; tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
*
Giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 5 năm thực hiện Đề án giảm quá tải Bệnh viện giai đoạn 2015-2017, tại khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/ năm cho xã hội.
Để giảm quá tải khu vực nội trú, ngành y tế đã xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều bệnh viện, tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân. Cụ thể như: Tỷ lệ giường bệnh thực kê/vạn dân năm 2012 là 24,7 giường bệnh/ vạn dân, năm 2015 là 31,4 giường/vạn dân và đến tháng 12/2016 là 32,7 giường bệnh/ vạn dân (đạt chỉ tiêu đề ra tại Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Đặc biệt, tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đang từng bước được khống chế; 37/39 bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24- 48 giờ từ khi nhập viện. Tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã giảm nhiều. Năm 2012, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện tuyến Trung ương là 58%, tuyến tuyến tỉnh là 47%; năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ 2 người trở lên trên 1 giường bệnh chỉ chiếm 16,7% ở tuyến Trung ương và 11,4% ở tuyến tỉnh.
Đồng thời, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương giảm và công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện tăng. Cụ thể là: 63% số bệnh viện tuyến trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh.
Bên cạnh đó, để giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên, Bộ Y tế đã phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới bệnh viện vệ tinh bao gồm 17 bệnh viện hạt nhân, 75 bệnh viện vệ tinh là các bệnh viện tuyến tỉnh. Đồng thời, ngành y tế đã duy trì tích cực công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên luân chuyển cán bộ với 386 lớp đào tạo, chuyển giao cho 7.051 cán bộ được 791 kỹ thuật... Nhờ vậy, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm từ 73- 99% theo các chuyên khoa, cụ thể như: Tim mạch giảm tới 98,5%; ung thư giảm 97%; ngoại khoa giảm 98,5%; sản khoa giảm tới 99%; nhi khoa giảm 73% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh.
* Phấn đấu đến năm 2020 không còn...