Những ngày gần đây, nhiều người dùng bị gắn thẻ vào những tin tức giả mạo với tiêu đề cuốn hút giật gân, gây tò mò như “Bị chửi bán trái cây Trung Quốc, chị bán hàng…”; "Đêm tân hôn, tôi…” nhằm lôi kéo người dùng click vào. Sau đó, nó sẽ hiện ra các website nội dung sơ sài, yêu cầu người dùng phải bấm vào liên kết thêm ở trang này mới có thể xem hết nội dung.
Nghiêm trọng hơn, bạn dễ dàng thực hiện thao tác đó khi một số trang có giao diện giống hệt trang đăng nhập của Facebook khiến nhiều người mắc bẫy. Khi bạn đăng nhập vào, tài khoản cá nhân của bạn có thể bị lấy mất. Sau khi chiếm đoạt thành công, Tacebook của bạn sẽ là công cụ để lừa đảo những người trong Friendlist của bạn hoặc dùng để like Fanpage.
Những tin tức giả mạo với tiêu đề cuốn hút giật gân và gắn thẻ tự động
Do đó, cách tốt nhất là nếu bạn bị gắn thẻ vào những tin tức thuộc dạng giật gân thì không nên click vào. Điểm nhận dạng virus này chính là tên miền của những trang web này không có dạng Facebook.com.
Đồng thời, người dùng nên sử dụng tính năng báo cáo bài viết, cũng như bỏ theo dõi hoặc chặn tài khoản đã nhiễm virus (tài khoản tag bạn) để bảo vệ tài khoản của mình. Trong trường hợp bạn đã nhấp vào liên kết nên thoát khỏi nó ngay lập tức và tuyệt đối không được đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân của mình trên trang web đó. Sau đó, phải đổi mật khẩu để tăng khả năng bảo mật.
Tên miền của những trang web này không có dạng Facebook.com
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành NTS Security - nhà phân phối chính thức Kaspersky Lab tại Việt Nam cho biết: "Về cơ bản, cơ chế hoạt động của dạng lừa đảo này không mới nhưng có khả năng lây lan rất nhanh. Nó dùng một ứng dụng thú vị kiểu như bói toán hoặc kiểu như tổng kết năm 2016, chẳng hạn "Trump nghĩ gì về bạn?". Khi một người nhìn thấy bạn bè mình chia sẻ thì họ quên đi nguy hiểm mà chơi thử luôn. Sau khi click vào, thì ứng dụng tiếp tục lây lan trong danh sách bạn bè trên Facebook của bạn. Từ đó, nó trở nên nguy hiểm hơn".
THÙY ĐAN (Tin8, Ảnh: Internet)