Thùng đựng thuốc phòng, trị bệnh cho lươn - Ảnh: Lao Động
Kỹ sư giải thích, lươn là loài lưỡng tính, lươn đực nhanh lớn hơn lươn cái, nên người dân dùng thuốc tránh thai để ức chế quá trình lươn biến thành lươn cái.
“Đàn ông không cần dùng bao cao su nữa, chỉ cần ăn cháo lươn”
Nghe cánh mày râu rỉ tai nhau, bây giờ đàn ông, phụ nữ không cần phải dùng bao cao su hay thuốc tránh thai nữa vì nó đã có trong con lươn, chỉ cần ăn cháo lươn, miến lươn… là được, một số phóng viên đã vào vai người đi tìm hiểu mô hình nuôi lươn để điều tra sự thật này. Trước vấn đề này, cả dược sĩ chuyên khoa và một giáo sư, tiến sĩ nông học, cả hai đều cho rằng đó là chuyện hoang đường.
Tuy nhiên, khi được chủ một trại nuôi lươn ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) hồn nhiên hướng dẫn một cách tường tận cách cho lươn ăn thuốc tránh thai của người để tăng năng suất thì cánh phóng viên sững người.
Ông T.N.D ở xã H.T (huyện Hưng Nguyên) cho biết mô hình nuôi lươn trong bể không bùn đạt hiệu quả cao. Tháng 6.2014, ông D mua 1 tạ lươn giống của dân bắt từ ruộng (bằng cách đặt trúm - tức ống lươn). Lươn nuôi trong hai bể bêtông, sau 6 tháng, bán được gần 3 tạ, thu xấp xỉ 50 triệu đồng. Ông D phát triển thêm 3 bể nuôi lươn.
Trại nuôi lợn, gà vịt, lươn... của ông D nằm ở giữa cánh đồng, cách khá xa khu dân cư, song người dân phản ánh mùi hôi thối vẫn “tấn công” xóm làng theo từng cơn gió.
Bể nuôi lươn bằng công nghệ thuốc tránh thai của ông T.N.D, huyện Hưng Nguyên - Ảnh: Lao Động
Trong căn nhà nhỏ, các bể bằng gạch xây liền nhau, mỗi bể chừng hơn chục mét vuông, bên dưới lót bạt nhựa, xâm xấp nước. Ông D. lội xuống bể, dỡ mấy tấm đan bằng tre, trên có mấy búi dây nhựa, thấy bầy lươn nhỏ lúc nhúc bám vào.
Ông D. bảo, lươn của ông mua của dân bắt từ ruộng, giá vài chục ngàn/kg, phải nuôi lớn bằng cái “típ” phi 27 thì xuất, trong khoảng 8 tháng. Ông D. bật mí “típ” đó là “thuốc tránh thai”. Khi phóng viên ngạc nhiên hỏi: “Thuốc tránh thai của người sao dùng được cho lươn?” thì ông hồn nhiên trả lời “dùng cho lợn cũng được nữa là”. Ông D. bảo cứ xay nhỏ trộn vào thức ăn cho lươn, khoảng vài lần để hạn chế sinh sản, mau lớn.
Hỏi tên thuốc gì, mua ở đâu, ông D bảo không nhớ tên thuốc, nhưng mua thì tại trạm y tế xã. Khi phóng viên ngỏ ý sợ lươn nhiễm độc bị chết, ông D. trấn an, “cho ăn một vài lần thôi, chứ phải ăn liên tục mô”.
Kỹ sư Trần Trung Thành - trưởng phòng Kỹ thuật khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An) cho biết thuốc tránh thai là chất cấm sử dụng trong quá trình nuôi lươn, vì sẽ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Kỹ sư cho biết họ đã khuyến cáo nhiều lần, nhưng bà con vẫn cố chấp sử dụng.
Lươn được nuôi bằng thuốc… kháng sinh, tăng trọng
Khi được người dân giới thiệu đến nhà ông Hồ Văn Lương, xóm 9, xã Lý Thành (huyện Yên Thành), cánh phóng viên tá hỏa khi biết ngoài thuốc tránh thai, thịt lươn còn được “tẩm” thuốc kháng sinh, tăng trọng…
Bể nuôi lươn của hộ ông Hồ Văn Lương, xã Lý Thành (Yên Thành) - Ảnh: Lao Động
Anh Trung, con trai ông Lương cho biết lươn ở đây cũng được nuôi bằng cách mua con giống bắt từ ruộng, sau đó cho ăn thức ăn chế biến sẵn từ cá, ốc. Nước được hút từ cái hồ gần đó, yêu cầu phải thay thường xuyên. Vì lươn dễ mắc những chứng bệnh phức tạp như lở loét, tiêu hóa, đỏ đít, rồi bị gan, đen một vùng trước bụng… nên để phòng bệnh, gia đình anh Trung phải nhập thuốc sát trùng, thuốc kháng sinh... để “tắm” hoặc trộn vào thức ăn cho lươn.
Nuôi lươn không được sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh
Theo Thông tư 15/2009/TTBNN ngày 17-3-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì trong quá trình nuôi lươn, người nuôi không được sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh.
Kỹ sư Trần Trung Thành cho biết, nghề nuôi lươn ở Nghệ An bắt đầu từ khoảng năm 2005, hiện nay các địa phương có nghề này gồm Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, nhiều nhất ở Yên Thành và có một ít ở Đô Lương. Từ nuôi trong bể có bùn, hiện nay lươn được nuôi chủ yếu bằng bể không bùn, nguồn giống đánh bắt từ tự nhiên. Các bể nuôi lươn do người dân tự học hỏi, tự đầu tư vốn để làm, nên chưa kiểm đếm được con số, sản lượng cụ thể.
Nuôi lươn không được sử dụng hóa chất - Ảnh minh họa: Internet
Kỹ sư Thành nhận xét, khi người dân sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh, chắc chắn chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hiện nay, chúng ta chưa quản lý được chất lượng đầu ra của con lươn. Với thực trạng này, người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu hậu quả đầu tiên, đồng thời thương hiệu lươn xứ Nghệ vốn đã nổi tiếng từ lâu sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.
QUỲNH NGA (Tin8)