Ma túy đá bào chế theo dạng viên nén, thường được đựng trong những túi nhựa trong suốt để người mua không mất thời gian kiểm định hàng - Ảnh: Internet
Ma túy đá là một dạng ma túy tổng hợp được bào chế theo kiểu viên nén có hình dạng giống hạt bột ngọt (mỳ chính). Để sử dụng loại này, người dùng buộc phải có những dụng cụ chuyên biệt. Trong đó, dụng cụ chính mà dân chơi hay sử dụng là bình thủy tinh (gọi là bình đập đá) – loại thường dùng trong phòng thí nghiệm hóa học. Bên trên chiếc bình này gắn thêm một ống dẫn thủy tinh có đầu nhỏ hình tròn để đựng viên ma túy đá; một chiếc tẩu dài từ miệng bình xuống phần bình đang ngập nước. Bên hông là chiếc vòi nhựa với độ dài tùy ý người dùng. Những “phụ kiện” kèm theo bộ dụng cụ chính bao gồm coóng (còn gọi là cóng), ống hút, bật lửa, bình gaz…
Bên trong chiếc bình đập đá luôn có một lượng nước lưng chừng. Phần nước này có tác dụng cản lại làn khói độc hại mà viên ma túy tạo ra khi bị đốt. Khi chơi đá, người nghiện dùng bật lửa đốt nóng ống thủy tinh đang đựng “hàng” để tạo khí. Luồng khí này tuồn vào bên trong bình đập đá rồi theo chiếc tẩu dài đi vào khí quản của người dùng. Những người có kinh nghiệm đập đá thường mang theo nhiều chiếc bật lửa đã tháo phần sắt bảo vệ ngọn lửa để đốt nhiều ống đựng ma túy. Chỗ tiếp xúc của ngọn lửa với cần gạt đá được chèn thêm một đoạn tăm (hoặc đoạn sắt/thép nhỏ) để giữ lửa cháy liên tục, giúp việc đốt đá không bị gián đoạn.
Một bộ dụng cụ hút ma túy đá hoàn chỉnh của dân chơi - Ảnh: Internet
Hiện tượng ngáo đá là do người nghiện “tái sử dụng” ma túy đã qua nhiều lần hút. Tức là sau nhiều ngày hút ma túy đá, dân chơi gom lượng đá còn sót lại ở đáy ống thủy tinh lại để hút lần cuối. Theo lời kể của L – dân chơi ở quận Gò Vấp, TP.HCM thì đây là lúc người nghiện thấy “phê” nhất nếu biết mồi lửa đều tay. Bộ đập đá của dân chơi được bán với nhiều mức giá khác nhau, thường dao động từ 160.000 đến 200.000 đồng. Điều đáng nói, những dụng cụ này đều nằm trong danh sách mặt hàng cấm kinh doanh của nhà nước. Điều đó có nghĩa là không có đơn vị nào kiểm duyệt mức độ an toàn của sản phẩm. Hơn nữa, dân chơi thường xuyên sử dụng chung bộ đập đá với nhau và không vệ sinh sau mỗi lần dùng. Chưa nói đến tác hại khủng khiếp của ma túy đá và hiện tượng ngáo đá, chỉ riêng tính đảm bảo của các loại dụng cụ cũng làm nhiều người rùng mình khi nghĩ tới.
Ống hút ma túy mạo danh ống hô hấp
Đây là dạng ống nhựa (hoặc thủy tinh) khiến nhiều người nhầm tưởng đó là ống hô hấp dùng nhiều trong lĩnh vực y tế nhưng thực chất, mặt hàng này cũng bị nhà nước cấm lưu hành. Mặc dù vậy, loại ống nhựa này vẫn được bày bán tràn lan tại các cửa hàng dụng cụ y khoa với giá khá rẻ.
Anh Mạnh, chủ một cửa hàng y khoa trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình cho biết hầu như cửa hàng nào cũng kinh doanh mặt hàng này. Khi cơ quan quản lý kiểm tra thì nói rằng dụng cụ này bán cho những người có vấn đề về hô hấp nên cũng không bị soi xét gì thêm. Hầu như khách đến mua loại ống này là những người đang dính vào ma túy đá. “Người mua có nhu cầu thì mình bán, còn sử dụng vào mục đích gì thì làm sao mình biết được”, Anh Mạnh phân trần.
Ống hút ma túy đá được bày bán công khai ở nhiều cửa hàng y khoa - Ảnh: Internet
Theo lời giới thiệu của vài chủ tiệm dụng cụ y khoa khác, “ống hô hấp” nhập từ Đức, có một số loại là hàng trong nước nhưng tất cả các mẫu sản phẩm bày bán đều không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng hoặc những khuyến cáo đi kèm… Theo Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện Nhi đồng II thì những loại ống này chưa bao giờ xuất hiện trong bệnh viện. Giới chuyên môn cũng chưa từng biết đến loại “ống thở” này nên nói nó là ống hô hấp dùng cho lĩnh vực y tế là hoàn toàn sai sự thật. Như vậy, dân chơi dùng loại ống này để “đập đá” đồng nghĩa với việc phó mặc sự an toàn của bản thân mình cho “lương tâm” của người bán.
Bộ đập đá tự chế từ phế thải
Khi đã là “nô lệ” của những viên ma túy tổng hợp, con nghiện luôn ưu tiên dành hết tiền bạc, của cải để mua hàng. Lúc đó, dụng cụ hút không còn là mối quan tâm lớn nhất của họ. Họ sẵn sàng dùng chai nhựa, ống hút nhựa hoặc những vật dụng đã bỏ đi để tự chế tạo nên bộ đập đá cho riêng mình.
Người nghiện đập đá bằng dụng cụ tự chế có nguy cơ đột tử cao - Ảnh minh họa - Internet
Những loại đồ nhựa kém chất lượng thường chứa lượng độc tố BPA. Chất này có nguy cơ gây ra bệnh béo phì, ung thư hoặc vô sinh. Đặc biệt, khi bị đốt nóng, nhiệt độ làm giải phóng chất độc monostyren có trong chai nhựa, ống nhựa. Chất độc này ngay lập tức theo làn khói “đá” đi vào cơ thể người dùng. Nếu sử dụng lâu dài, người nghiện có nhiều nguy cơ bị ngộ độc, thậm chí là đột tử.
KHÁNH HÒA (Tin8)