Cán bộ Đồn biên phòng Trịnh Tường hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng lúa. |
Đến với Trịnh Tường
Đồn Biên phòng Trịnh Tường (BĐBP tỉnh Lào Cai) đóng quân trên địa bàn xã Trịnh Tường, nằm ở giữa dải đất Bát Xát dọc theo sông Hồng. Nơi đây có phong tục, đời sống văn hóa của đồng bào Mông, Dao, Hà Nhì bản địa với người Kinh từ Nam Định, Thái Bình lên khai hoang những năm 60 của thế kỷ trước. Sự giao thoa văn hóa đó đã đem lại những giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống xã hội của người Trịnh Tường. Nhưng nhìn chung đây vẫn là xã nghèo của huyện với nhiều vấn đề mà cấp ủy, chính quyền địa phương phải giải quyết.
Từ trung tâm xã Trịnh Tường theo hướng Tây Nam khoảng 6 km là thôn San Hồ, một trong những thôn nghèo nhất xã với 85 hộ/425 khẩu với hai dân tộc Mông và Hà Nhì cùng sinh sống. Trước kia đường từ xã vào thôn quanh năm lầy lội chủ yếu dành cho gia súc và người đi bộ. Năm 2017 được sự quan tâm đầu tư của địa phương trong thực hiện chương trình nông thôn mới, đường liên thôn được đổ bê tông nên xe máy có thể đi đến được trung tâm của thôn dễ dàng.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Vù A Vư và chị Thào Thị Phước, một trong những gia đình vừa được BĐBP giúp đỡ thoát nghèo năm 2017. Trước đây gia đình anh Vư là hộ nghèo nhất trong thôn và có lẽ là một trong những hộ nghèo nhất trong xã. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do chưa có phương pháp tổ chức lao động sản xuất, nguồn thu chủ yếu của gia đình từ việc canh tác trên một số mảnh nương, thửa ruộng truyền thống, còn lại thời gian nông nhàn trong năm phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Một gia đình nông dân vùng cao nuôi năm đứa con và một người mẹ già cùng với tư duy làm ăn như vậy thì chuyện nghèo đói là không thể tránh khỏi.
Với phương châm “Giúp đồng bào cái cần câu, không giúp con cá”, trong đó đặc biệt chú ý những hộ nghèo có khát vọng vươn lên nhưng thiếu phương pháp, Đồn Biên phòng Trịnh Tường đã thường xuyên phân công cán bộ chiến sĩ xuống giúp đỡ gia đình anh Vù Seo Vư. Đầu tiên là việc động viên gia đình yên tâm ở nhà lao động sản xuất, chăm sóc mẹ già, con nhỏ.
Nói thì như vậy nhưng để thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bà con không phải chuyện đơn giản, nhất là việc đi làm thuê giải quyết nhu cầu nhìn thấy trước mắt hàng ngày. Với sự kiên trì phân tích, động viên, BĐBP đã thuyết phục được vợ chồng anh Vư ở nhà tập trung lao động trên chính quê hương mình. Tiếp đến là giúp gia đình sửa chữa nhà ở, chuồng trại. Có an cư mới lạc nghiệp, muốn chăn nuôi phát triển phải có chuồng trại tốt, hợp vệ sinh. Hàng trăm ngày công đã được cán bộ chiến sỹ đơn vị và gia đình cùng nhau thực hiện như lợp lại mái nhà, đưa chuồng trâu ra xa nhà, cải tiến khu chăn nuôi lợn.
Khi việc ăn, ở của gia đình đã ổn định, BĐBP lại cử cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm xuống giúp Vù A Vư phương pháp canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Thấy việc phát triển kinh tế từ rừng, trồng trọt cần phải lâu dài, chưa mang lại ngay hiệu quả, BĐBP đã tích cực động viên gia đình kết hợp chăn nuôi với trồng trọt. Mặc dù điều kiện của đơn vị còn rất khó khăn, nhưng Đồn Biên phòng Trịnh Tường đã thống nhất trích một phần quỹ vốn của đơn vị ra giúp đỡ gia đình Vù Seo Vư một đôi lợn giống và một số vật liệu xây dựng. Từng phần việc được triển khai và thành quả dần đến. Sau một năm kiên trì làm theo sự giúp đỡ của BĐBP, đến nay gia đình anh Vù A Vư đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ gia đình có kinh tế khá trong thôn. Đàn lợn của gia đình anh có hơn 10 con, đàn trâu có 3 con, đảm bảo thừa lương thực trong sinh hoạt, không bị thiếu đói trong...