Trong vai một người đi mua đào, tôi ghé qua khu vườn đào nổi tiếng dưới chân cầu Nhật Tân của Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Dù đã 9 giờ tối nhưng đâu đó ở khu vườn vẫn rộn rã tiếng cười nói, hỏi han giá đào, giá chậu cảnh của mấy chủ vườn cạnh nhau. Bình thường, giờ này mọi người đã về ngủ say, thế nhưng bây giờ đang vào thời điểm cuối năm, nhộn nhịp bán – buôn đào nên gần như các chủ vườn đào phải túc trực thâu đêm suốt sáng.

Ông Nguyễn Văn chiến (trái) tư vấn cho khách mua đào. Ảnh: N.T
Từ 8 giờ tối, khi màn đêm buông xuống, cơm nước xong là ông Nguyễn Viết Quyết (Phú Thượng, Tây Hồ) lại khăn gói ra vườn trực đêm thay cho vợ. Túc trực 24/24 một phần là để xem có ai mua bán, một phần là để canh đào, chống trộm.
“Trồng cây đến ngày hái quả, giờ không trông coi thì chúng đánh cả xe tải đến khiêng đào. Chẳng nói đâu xa, cách đây 2 năm gia đình tôi cũng từng bị kẻ gian đột nhập, dùng xe 3 gác chở mất 3 cây đào thế. Tính ra cũng mất hơn chục triệu đồng” – ông Quyết ngao ngán nhớ lại.
Cạnh vườn đào ông Quyết là vườn của chú em trai ông. Hai anh em ông năm nay trồng hơn 700 gốc đào cả đào cành, đào thế, đào mi ni thắp hương. Vườn rộng, đào đang trúng giá lại vào mùa thu hoạch nên không thể không để mắt.
Ông Quyết cho biết, lo nhất là những gốc đào đã được thương lái mua buôn, đặt tiền. Nếu họ đặt tiền rồi mà mình làm mất đào thì vừa mất chữ tín, vừa phải đền bù gấp đôi tiền cho người ta. Chính vì vậy, gần như lúc nào ngoài vườn cũng phải có người trông.
Trời cuối đông, càng về đêm thời tiết càng lạnh và buốt hơn, ông Quyết nhóm đống củi pha ấm trà cùng với những chủ đào bên cạnh ngồi nhâm nhi chén trà, hơ tay vào lửa cho ấm.

Những đốm lửa đỏ rực giữa trời đêm thế này không thiếu ở vườn đào những ngày này. Ảnh: N.T
“Nhiều hôm lạnh quá, ngồi đông cứng cả người, lượn một vòng kiểm tra đào xong lại phải ngồi hơ tay cho ấm. Buồn ngủ mà không dám ngủ, có khi mấy anh em lại làm vài ván cờ hay mấy ván tổ tôm cho xôm. Ngày đánh gốc, tối thức đêm, có hôm mệt quá đến sáng nằm ngủ thiếp trong lều lúc nào không hay” – ông Quyết chia sẻ.
Theo lời kể của ông Quyết thì trước đây, thời ông bà của ông còn sống, làng đào Nhật Tân, Phú Thượng là vùng trồng đào nổi tiếng duy nhất ở Hà Nội. Mãi cho tới sau này, khi con cháu trong vùng đi di tản, đất mất thì mới mang nghề trồng đào ra những vùng khác nên giờ đây mới có thêm làng đào Mê Linh (Vĩnh Phúc), Đông Anh, Đại Mỗ… Mặc dù đào có ở nhiều nơi, nhưng nếu là người chơi đào sành sỏi, người mua vẫn có thể phát hiện ra cánh đào được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của vùng đào Nhật Tân. Cánh đào được trồng ở nơi đây có màu thắm, hoa dày, bông bền chơi được rất lâu.
Hết chuyện, nhân thể có ông con trai ra ngồi trông thay, ông Quyết chào tôi rồi rời vào lán trại bé tý chừng 10m2, thu người kéo tấm chăn mỏng đắp qua người rồi chợp mắt. Bên cạnh chiếc phản ông nằm là ngổn ngang những dây dợ, chậu cây, cuốc, thuổng, phân tro tưới đào.
Cách vườn đào nhà ông Quyết khoảng 700m, nằm dưới chân cầu Nhật Tân là vườn đào của anh Lê Hồng Thuỷ (Phú Thượng, Tây Hồ). Tuy mới 32 tuổi nhưng anh là một trong những người trồng đào có tiếng ở vùng đất này. Không chỉ là người sở hữu vườn đào đẹp nức tiếng với hàng trăm gốc đào rừng, đào thế, anh còn là người có bàn tay phù thuỷ trong việc gò đào, tạo thế đào.
Trong căn lều bé được căng tạm lên bằng vài tấm bạt,...