Một buổi chiều muộn tại phòng khám nhỏ nép mình ở con ngõ 424 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), nhiều bệnh nhân vẫn đang chờ tới lượt khám bệnh. Trong trang phục áo blouse trắng quen thuộc, ông bác sĩ già đầu tóc bạc phơ ân cần chăm sóc từng người bệnh. Suốt 25 năm qua từ khi về hưu, ông vẫn duy trì công việc này mà chưa bao giờ lấy của người dân một đồng tiền khám bệnh. Ông là bác sĩ của người nghèo - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chương.
Năm nay đã ngoài 83 tuổi nhưng với đôi mắt tinh anh, dáng điệu nhanh nhẹn, ngày ngày bác sĩ Chương đón tiếp hàng chục lượt khách từ 7h sáng tới 8 - 9h tối. Chỉ khi chắc chắn không còn ai tìm đến, ông mới yên tâm đóng cửa nghỉ ngơi sau một ngày dài.
Phòng khám nhỏ với đủ loại máy móc thiết bị của bác sĩ Chương.
Bát cơm ăn vội chưa đầy 20 phút và những ngày không có giấc ngủ trưa
"Ông ơi, con tới rồi!"
"Ông ơi, nay con tập máy nào trước tiên ạ?"
Người bệnh vẫn thường xưng con, gọi bác sĩ Chương là ông một cách thân thiện như thế! Ông cũng thích cách gọi này bởi nó khiến ông gần gũi với bệnh nhân của mình hơn. Trong không gian phòng khám vỏn vẹn chỉ 20m2, ai cũng như người nhà nói chuyện, cười đùa chờ tới lượt được khám bệnh. Để nói về người bác sĩ già hơn 20 năm qua bằng cái tâm của mình vẫn luôn chữa trị với từng bệnh nhân, mọi người dành cho ông một sự biết ơn không biết đong đếm thế nào là đủ.
Mỗi ngày ông Chương mở cửa phòng khám từ 7h sáng tới 8-9h tối.
Các phương pháp trị liệu cơ bản được in ra và dán lên để tất cả bệnh nhân ai cũng có thể thực hành.
Bác sĩ, Tiến sĩ Y học Nguyễn Văn Chương tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội ngành Bác sĩ đa khoa năm 1959. Những năm 80, ông công tác tại Ban y tế, Bộ mỏ và than sau đó làm việc ở viện Bộ năng lượng. Với quyết tâm của mình, sau khi nghỉ hưu năm 1992, ông từ chối nhiều lời mời của các bệnh viện lớn để trở về nhà và mở một phòng khám nhỏ. Kể từ khi bước chân vào nghề Y đến nay cũng đã hơn 60 năm, ông vẫn luôn mong muốn người bệnh được điều trị trong điều kiện tốt nhất có thể.
Phòng khám dưới tầng 1 được chia làm 2 phòng nhỏ: 1 phòng điều trị, 1 phòng phục hồi chức năng. Các thiết bị, máy móc phần nhiều được ông mua từ khi mới mở phòng khám bằng số tiền tự dành dụm được sau khi nghỉ hưu. Vì là "phòng khám của người nghèo" nên tất cả bệnh nhân đều được khám bệnh miễn phí. Ai có vấn đề gì về sức khỏe tới xin tư vấn ông Chương cũng không lấy tiền.
Để duy trì, mua thêm máy móc mới, đối với những người tới làm vật lý trị liệu, tùy theo hoàn cảnh ông thu một khoản tiền nho nhỏ. Mỗi lần trị liệu kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ với 5 - 7 liệu pháp, ông chỉ lấy 50.000 đồng với trẻ nhỏ, 150.000 đồng với người lớn. Những bệnh nhân ở xa, hoàn cảnh khó khăn, học sinh - sinh viên nghèo ông không nhận bất kỳ một đồng phí nào cả.
Phòng điều trị ở phía trong cũng được trang bị nhiều máy móc thiết bị.
"Tôi luôn tìm những phương pháp đơn giản, hiệu quả nhất cho người bệnh. Cao siêu quá mà người ta lại nghèo làm sao đủ khả năng chi trả. Giờ họ tới đây, đỡ tốn kém cả tiền bạc lẫn thời gian thì mới gọi là phòng khám của người nghèo được", bác sĩ Chương chia sẻ.
Ông Chương mở cửa đón bệnh nhân từ 7h sáng, nói là thế nhưng 6h30 người dân đã đến. Ông bảo cứ hễ có người bệnh là ông khám luôn chứ không phiền bất kỳ ai phải chờ đợi. Tới tầm trưa nhiều khi ông cũng chẳng có giấc ngủ vì còn bận tiếp bệnh nhân từ các tỉnh, huyện khác không quản ngại đi xe khách tìm đến phòng khám. Chỉ khi chắc chắn không còn ai nữa, cũng là lúc 8 - 9h tối, ông mới đóng cửa phòng khám rồi tắm giặt đi ngủ.
Bệnh nhân đến với phòng khám của bác sĩ Chương trải dài ở mọi độ tuổi.
"Hoàn cảnh người ta nghèo, công nhân ban ngày họ còn đi kiếm miếng ăn, tối mới rảnh đến khám. Thế nên, tôi cứ chờ đến khi trời tối còn ai nữa không thì tôi khám xong mới đi nghỉ".
Có mặt tại phòng khám mới chứng kiến được sự tất bật của người bác sĩ già. Hết bệnh nhân này chạy máy trị liệu đến người khác day bấm huyệt, duy chỉ có lúc ăn cơm ông Chương mới dừng tay. Những bữa ăn chưa bao giờ quá 20 phút, bưng bát cơm có tí canh, ông ăn vội nhiều nhất cũng 10 - 15 phút rồi quay lại làm việc. Ông kể không bao giờ dám ăn 2 người, nếu ông dùng bữa thì con cháu tới trực phòng khám thay ông chăm sóc cho bệnh nhân.
"Tôi mệt thì rất mệt nhưng người bệnh còn đau đớn hơn"
"Cuộc đời của mình gắn bó với người nghèo, từ nông thôn tới công trường, hầm mỏ. Nếu những người lao động không đau ốm thì họ có thể làm việc nuôi sống chính bản thân và cả gia đình", từ tận tâm can ông Chương luôn nghĩ cho những con người nghèo khổ ngoài kia một cách ân cần và chu đáo như thế. Cũng chính vì bệnh tật họ không còn sức làm việc, giờ lại tốn quá nhiều chi phí chữa trị thì nghèo lại càng nghèo, khổ lại càng khổ. Nên suy cho cùng, giúp được bao nhiêu người ông vẫn cố gắng, dù đôi khi tuổi già lắm khi trở trời cũng mệt.
"Tôi mệt thì rất mệt nhưng người bệnh còn đau đớn hơn nên phải lo cho họ. Sinh ra làm nghề y là nghề cứu người nên được chữa khỏi cho bệnh nhân là niềm vui, hạnh phúc, may mắn mà cuộc sống đã ban tặng cho tôi. Càng nhiều hoàn cảnh được cứu sống thì tôi càng "giàu"", ông Chương tâm sự.
Phòng khám nhỏ lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười.
Bệnh nhân ở phòng khám đủ mọi lứa tuổi: có bé mới 6 - 7 tháng đến những ông cụ bà cụ trạc tuổi bác sĩ Chương. Các bệnh mãn tính, nặng nhất là cơ xương khớp, bại liệt, tai biến ông đều có cách chữa trị riêng biệt. Trong khi khám và vật lý trị liệu cho người dân, ông vẫn hay thủ thỉ tâm tình để mọi người có thêm động lực:"Cháu bây giờ phải kiên nhẫn, cố gắng tập luyện để tháng sau có thể đạp xe, các ngón tay có thể cử động cầm bát cơm"; "Không còn cách nào khác giờ cháu phải nghe ông, không được nản chí".
Bởi lẽ không phải 1 ngày, 2 ngày mà chặng đường có khi phải cả tháng, cả năm. Thành quả ngọt nhất luôn chờ đợi ở phía cuối con đường khi mà cả bác sĩ và người bệnh đã cùng nhau đi cả một chặng dài. Đó là khi nhiều bệnh nhân đang từ tàn tật, không thể đi lại được nay có thể đi làm, dùng sức lao động của mình kiếm ra tiền, nuôi sống bản thân và gia đình.
Nhiều người bệnh quý bác sĩ Chương không chỉ vì tài năng của người thầy thuốc mà còn bởi tấm chân tình của ông.
Chàng thanh niên tên Tùng năm 17 - 18 tuổi mắc chưng teo cơ di truyền, trước đó 3 người thân đã lần lượt qua đời vì căn bệnh này. Dù chạy chữa 6 năm trời khắp nơi mọi chốn nhưng chẳng ăn thua. Tìm đến phòng khám của bác sĩ Chương, 1 năm sau anh đã có thể làm bánh giò, đạp xe chở bánh đi bán. Làm ăn có lãi, anh Tùng mua được xe máy và mở rộng kinh doanh, trở thành "ông chủ con". Kể từ đó cứ hễ ngày...