Thuốc lạ được tiêm vào người anh V - Ảnh minh họa: Internet
Chữa hết bệnh phong thấp chỉ bằng một mũi thuốc
Câu chuyện có thật xảy ra tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Anh V (30 tuổi) vốn có tiền sử bị bệnh phong thấp. Chân tay của anh thường xuyên ra nhiều mồ hôi khiến anh cảm thấy khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt. Người thân trong gia đình anh được hàng xóm “mách nước” cho cách chữa trị tại nhà “thầy thuốc” K ở cây số 104, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ngày 21 -11, theo lời chỉ dẫn, anh V tìm đến nhà “thầy” K. Sau một vài câu hỏi qua loa, “thầy” K mạnh dạn tiêm cho anh V một mũi thuốc trị giá 700 nghìn đồng với lời đảm bảo “không cần uống thuốc tây nữa, bệnh sẽ tự hết sau khi tiêm mũi thuốc này”.
Sau một ngày tiêm thuốc, toàn thân anh V bỗng nhiên sưng phù, nhức mỏi và xuất hiện nhiều nốt đỏ to tướng lan dần trên khắp cơ thể. Anh V quay lại nhà “thầy thuốc” phản ánh tình trạng trên thì nhận được câu trả lời “trước giờ tiêm chưa thấy ai bị gì mà sao anh lại bị? Chắc chỉ bị dị ứng, vài ngày sẽ hết”. Lo lắng cho sức khỏe của mình nên anh V khăn gói đến bệnh viện Da Liễu ở TP.HCM khám. Đến đây, anh nhận được kết luận cơ thể bị kháng hợp chất lạ cấp độ nhẹ và phải điều trị bằng thuốc bôi ngoài da và thuốc uống.
Đáng nói, cơ sở khám chữa bệnh của “thầy thuốc” K không hề có bảng hiệu. Người dân khu vực cũng không biết trình độ và bằng cấp chuyên môn của ông K đạt đến mức nào. Thậm chí, “danh tiếng” của ông K chỉ được in bằng một mẫu giấy nhỏ với nội dung là “Bác sĩ K quân y” và số điện thoại của ông K. Tuy nhiên, vì lời đồn, nhiều người tìm tới vị “bác sĩ” này chích thuốc và đã khỏi được nhiều bệnh nên người dân địa phương hay “mách nhau” mỗi khi có ai gặp bệnh khó chữa.
Người dân xã Phú Ngọc thường mách nhau tên tuổi "thầy thuốc" K mỗi khi có người bị bệnh khó chữa - Ảnh minh họa: Internet
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận - chuyên Khoa Nhi Đồng thì phong thấp là căn bệnh rất khó trị và phải điều trị lâu dài. Bệnh nhân có thể thử những phương pháp chữa trị khác nhau như châm cứu, dùng thuốc Bắc… Tuy nhiên, những phương pháp này đều không được theo dõi và kiểm chứng đầy đủ. Vì vậy, bệnh nhân phải cẩn thận chọn đúng thầy thuốc và phương pháp an toàn nhất là điều trị theo hướng dẫn cụ thể, đầy đủ của bác sĩ có chuyên môn.
Trường hợp của anh V vẫn còn được coi là may mắn khi chưa gây nguy hiểm đến tính mạng. Có nhiều người vì thiếu hiểu biết và mù quáng tin vào những phương pháp chữa bệnh kỳ quái mà phải đành tâm cắt bỏ đi một phần cơ thể hoặc bỏ luôn cả mạng sống của mình.
Chữa bệnh bằng phân và nước tiểu?
Một thời gian dài, người dân tỉnh Nam Định truyền tai nhau phương thuốc trị bách bệnh “bào chế” từ nước tiểu và phân của con người. Đây là “lời đồn” cực kỳ nguy hiểm, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh.
Phân tích trên cơ sở khoa học, thận có chức năng lọc chất độc và cặn bã từ máu và thải ra ngoài cơ thể dưới dạng nước tiểu. Trong quy trình đầu, nước tiểu tạo ra từ nang cầu thận và vẫn còn lưu giữ lại một số dưỡng chất. Tuy nhiên, khi đi qua bể thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo để ra ngoài thì phần nước tiểu đầu đó đã bị bội nhiễm. Do đó, thành phần trong nước tiểu hầu hết là các chất độc mà cơ thể chúng ta thải ra. Uống nước tiểu là đồng nghĩa với việc bạn đưa vào cơ thể mình những chất độc và vi khuẩn có hại. Lúc đó, hàng loạt các bộ phận khác trong cơ thể cũng có nguy cơ bị nhiễm độc theo. Mặt khác, nồng độ muối trong nước tiểu khá cao nên chúng càng tăng khả năng giữ nước, gây sưng phù hoặc suy tim cho người uống.
Thành phần trong nước tiểu là những chất độc cơ thể thải ra - Ảnh minh họa: Internet
Tương tự như nước tiểu, phân người và phân động vật chứa hàng triệu vi khuẩn nhiễm bệnh, đặc biệt là E,coli. Việc sử dụng “liều thuốc” này có khả năng gây ra bệnh tiêu chảy cấp, nặng hơn là nhiễm trùng máu, suy thận…tăng cao nguy cơ tử vong.
Vì vậy, chữa bệnh bằng nước tiểu hoặc phân là những lời đồn thổi không có căn cứ. Hiện nay, chưa có bất kỳ tài liệu y học nào chứng minh nước tiểu và phân của con người có khả năng chữa bệnh.
Sai lầm chữa bỏng bằng nước mắm, kem đánh răng
Kem đánh răng không có tác dụng chữa bỏng như nhiều người vẫn nghĩ - Ảnh: Internet
Chữa vết bỏng bằng nước mắm và kem đánh răng là phương pháp dân gian mà hầu như ai cũng từng nghe qua một lần trong đời. Tuy nhiên, cách này làm cho tình trạng vết bỏng ngày càng nặng hơn và có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Có thể việc bôi kem đánh răng vào vết bỏng sẽ khiến nạn nhân thấy đỡ đau rát hơn nhưng hầu hết các loại kem đánh răng đều chứa chất kiềm. Chất này tiếp xúc với những vùng bị tổn thương bởi nhiệt độ cao sẽ gây ra phản ứng hóa học khiến vết thương lâu liền sẹo.
Nước mắm hay dấm và lòng trắng trứng gà cũng không có tác dụng kháng khuẩn và vô trùng cho vết thương. Bệnh viện Bỏng Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện với các vết loét hoặc những phần da đã bị hoại tử. Một số trường hợp phải nhanh chóng cắt bỏ một phần cơ thể chỉ vì sơ cứu vết bỏng theo phương pháp dân gian không có căn cứ khoa học.
KHÁNH HÒA (Tin8)