Trao đổi với PV, ông Tiết Văn Chiến (ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho hay: “Nhà tôi có 4 người lớn, một cháu nhỏ đều vào trụ sở của UBND huyện để tránh bão. Vừa nghe thông tin tâm bão không vào đất liền và bão có khả năng suy yếu, tôi rất mừng. Gia đình tôi chỉ mong sao cơn bão qua nhanh, mọi điều bình an để còn về lo làm ăn”.
“Nghe thông tin bão suy yếu, tôi thấy bớt sợ hơn lúc sáng. Tuy nhiên cả nhà vẫn quyết định ở lại điểm trú tránh, nhằm đảm bảo an toàn. Nhà tôi là nhà cây lá, rất yếu nên chắc chắn chúng tôi sẽ ở đây đến hết ngày mai rồi mới tính tiếp” – ông Nguyễn Văn Thông (khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ.

Gia đình ông Thông vui mừng khi tâm cơn bão số 16 không vào đất liền. (Ảnh: Chúc Ly)
Trong khi đó, bà Phan Kim Ngân (tên thường gọi là Bảy Muôn, sống trên Cồn Sơn, quận Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ) bộc bạch: “Sáng nay (25.12), chính quyền địa phương thông báo di dời đến nơi an toàn vì bão số 16. Vì vậy, bản thân tôi rất lo lắng, chuẩn bị đồ đạc của gia đình để dọn đi và vận động người già, trẻ em rời khỏi cồn”.
“Rất may, gần đến chiều cùng ngày, thông tin tâm bão có khả năng không vào đất liền khiến mọi người rất vui mừng mặc dù trời vẫn còn mưa. Nếu thật sự bão vào, tôi không tưởng tượng được cảnh tượng gì sẽ xảy ra đối với cồn này” - bà Ngân chia sẻ thêm.
Cũng như bà Ngân, nhiều hộ dân ở Cồn Sơn cho biết, trong ngày 25.12, việc di dời người già đi đến nơi an toàn đã được tiến hành. Nếu bão vào, việc di dời sẽ trở nên khó khăn vì người dân nơi đây chưa có kinh nghiệm ứng phó.
Nhiều người dân ở chợ nổi (quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết, tinh thần họ rất nhẹ nhõm khi hay bão có khả năng không vào Cần Thơ hoặc các địa phương lân cận nữa.
“Sáng sớm, các ghe tàu nơi đây đã ngưng hoạt động. Nhiều người rời khỏi chợ nổi để tránh thiệt hại. Rất mừng là bão lệch đi, không vào. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm hoạt động trở lại bình thường” - ông Nguyễn Văn Lượm, người dân kinh doanh trên chợ nổi Cái Răng nói.

Các tỉnh vẫn duy trì phương án di dời và ứng phó với cơn bão số...