Con rươi - sinh vật thân mềm được nhiều thực khách săn đón như một thứ đặc sản từ thiên nhiên.
Rươi là loài nhuyễn thể, thân dài khoảng 7cm, nhiều đốt, hai bên có nhiều lông tơ để bơi, màu sắc đỏ, xanh hoặc xám, sống ở đất pha cát vùng nước lợ, giáp cửa biển các tỉnh: Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng...
Ông Bùi Văn Tưởng (thôn Quảng Xuyên, xã Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) cho biết: "Gia đình có 3,2 mẫu đất ruộng gần sông, một năm cấy một vụ lúa chiêm để tận dụng quỹ đất, tháng 7-8 âm lịch, chúng tôi ủ đất và tạo dưỡng chất cho rươi sinh sống. Mùa rươi bắt đầu vào tháng 9 đến 11 âm lịch. Rươi sống tự nhiên nên việc bắt phải dựa vào con nước".
Người dân ở vùng có rươi xây dựng hệ thống dẫn nước và cửa xả rất chuyên nghiệp để thu hoạch tối đa sản lượng. Khi tiết trời chuyển từ thu sang đông, hơi lạnh là thời điểm thuận lợi cho rươi sinh sản. Lúc này, các gia đình dẫn nước vào, rươi từ bùn cát ngoi lên mặt, nước sau đó được xả đi để thu hoạch.
Năm nay sản lượng rất thấp, ước chừng mất mùa khoảng 30%. Số lượng con ít nên rươi to hơn. Bốn người thu hoạch từ 2h sáng đến 16h chiều được gần 200kg, thu nhập hơn 100 triệu/ngày. Một mùa rươi có thể thu cả tấn.
Sau khi thu hoạch, người dân đổ rươi lên chiếc sàng, tưới nước lọc bỏ rong rêu...
Giá bán buôn tại đầm từ 420.000 đến 550.000 đồng một kg. Rươi ngay sau khi bắt lên bờ đã có rất đông lái buôn từ khắp nơi xếp hàng chờ tới lượt thu gom chở đi các tỉnh thành để tiêu thụ.
Chị Thanh - lái buôn ở Hà Nội cho biết: "Dọc con đê huyện Tứ Kỳ có nhiều hộ gia đình làm nghề bắt rươi nhưng việc thu gom không phải dễ. Tôi đứng xếp hàng từ 10h đến 14h mới thu mua được 30kg".
Rươi chỉ sống trong môi trường sạch, không hóa chất nên người dân rất yên tâm khi chế biến thức ăn.
Từ những con rươi, đầu bếp có thể chế biến nhiều món như: chả rươi chiên trứng, rươi kho, rươi om măng, rươi xào củ niễng ...
NGỌC ANH (Tin8, Nguồn: VnExpress)