Sau cơm, bún là món ăn khá phổ biến của đa số người Việt - Ảnh: Internet
Một chủ tài khoản Facebook tên M.Q vừa chia sẻ câu chuyện về việc anh mua bún ở chợ về ăn. Trước khi ăn, anh thử thực hiện các bước kiểm tra xem bún có hàn the hay huỳnh quang hay không. Kết quả là có!
Sau đó, anh đến nơi đã mua số bún trên để phản ánh rằng anh đã mua phải bún có chứa chất độc hại ở đây. Điều khiến anh ngạc nhiên là người bán không hề tỏ ra nao núng hoặc có phản ứng chối cãi mà ngược lại, người này còn đon đả hướng dẫn anh chọn loại bún khác ít hàn the hoặc huỳnh quang hơn. Theo đó, người bán bún nói: “Chỉ có sợi bún bò mới có nhiều hàn the thôi. Cậu mua bún sợi nhỏ hơn ăn đi! Bún sợi to nhìn trắng bóng hơn các loại còn lại nhưng thực ra loại nào cũng có huỳnh quang cả, chỉ là nhiều hay ít mà thôi!”
Nhiều người dù biết bún có chất cấm nhưng vẫn vô tư bày bán cho người tiêu dùng - Ảnh minh họa: Internet
Câu trả lời của người chủ hàng bún khiến M.Q thật sự hoang mang. Bởi vì không chỉ người sản xuất vì hám lợi mà bỏ chất cấm vào thức ăn cho đồng loại của mình mà những người bán bún, dù biết hàng có chất cấm nhưng vẫn vô tư bày bán. Điều này chứng tỏ rằng thực phẩm bẩn đã có hẳn một “dây chuyền” đầu độc người tiêu dùng.
Cách thử chất cấm trong sợi bún
Bún gạo không chứa hàn the hoặc huỳnh quang có màu trắng đục, dính tay và dễ nát - Ảnh: Internet
Bún gạo không có hàn the và huỳnh quang thường có màu trắng đục như màu gạo. Sợi bún rất dính tay và dễ bị nát. Nếu để qua ngày, bún sẽ có mùi chua và không thể ăn được nữa.
Để biết bún có chứa hàn the hay không, bạn chỉ cần cho một tí bột nghệ nguyên chất vào bún rồi để trong khoảng 30 phút. Nếu sợi bún chuyển sang màu xám thì có nghĩ là bún có hàn the. Theo nguyên lý hóa học, chất curcumin trong nghệ phản ứng với borac hàn the sẽ tạo thành phản ứng đổi màu bún sang màu xám.
Đối với cách nhận biết chất huỳnh quang trong bún, bạn hãy để bún dưới ánh đèn trắng. Nếu sợi bún có huỳnh quang sẽ óng ánh phản chiếu với ánh đèn và ngược lại.
KHAI TÂM (Tin8)