Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân - Ảnh: Đỗ Trường
Nỗi đau của những người ở lại
Đưa thông tin xuyên tạc về câu chuyện của các nạn nhân cũng như nghi can để tăng lượt xem, lượt truy cập cho báo của mình là hành động vi phạm đạo đức báo chí và khiến người trong cuộc càng đau đớn hơn.
Có lẽ không gì đau xót hơn khi họ hàng của nạn nhân phải chịu nỗi đau mất mát khi 4 thành viên gia đình bà Nga bị giết bởi sự trả thù tàn bạo, còn Dư Minh Vỹ và Dư Ngọc Tố Như chết bởi vì vô tình có mặt trong ngôi nhà! Chúng chẳng có tội tình gì, chúng cũng chỉ là nạn nhân, thế nhưng báo chí và dư luận lại sẵn sàng khai thác khi biết thông tin một nạn nhân đã vô tình tiếp tay cho nghi can.
Dư Minh Vỹ (14 tuổi), người đã mở cổng để hai hung thủ vào nhà, đâu hề biết là mình sẽ chết, cũng chẳng bao giờ tưởng tượng được Dương, người từng thân thiết với gia đình lại có thể ra tay giết hại tất cả mọi người có mặt trong nhà. Bạn sẽ nghĩ sao nếu con mình chết oan chết uổng chưa xuống mồ đã bị người khác bới móc thông tin như một kẻ phạm tội? Bạn sẽ nghĩ sao nếu người thân mình bị giết chưa biết vì sao thì báo chí đã trổ tài thám tử suy đoán vớ vẩn?
Báo chí xuyên tạc thông tin về việc bé Na là con của Dương và nạn nhân Linh nên mới không bị giết - Ảnh: Internet
Bé Na - nạn nhân may mắn sống sót được người thân bế đến đám tang - Ảnh: kenh14
Liệu rằng tương lai của bé Na, người sống sót duy nhất, có được báo chí "tha" cho sống yên ổn, hay mỗi bước ngoặc của cuộc đời em sẽ được báo chí soi kỹ và moi móc lại nỗi đau vốn dĩ đã phải ngủ yên? Rồi một mai em lớn lên và tìm đọc những bài báo về vụ án gia đình mình, em sẽ cảm thấy gì, nghĩ gì trước những thông tin mà báo chí đã đưa những ngày hôm nay?
Nước mắt của người mẹ có con phạm tội
Báo chí sẵn sàng phỏng vấn mẹ nghi can Tuấn để có thêm thông tin - Ảnh: Trác Rin
Không ai sinh con ra mà lại mong muốn nó đi theo con đường tội ác. Hãy đặt mình vào vị trí một người mẹ có con đi giết người để cảm nhận được nỗi đau ấy. Không phải chỉ đau vì nuôi dạy con không tốt mà còn đau vì đứa con mình đã đi đến bước đường cùng, đau vì không biết làm sao để bù đắp cho gia đình nạn nhân, đau vì chỉ muốn được thay thế vị trí của con để nó có cơ hội làm lai cuộc đời.
Mẹ của nghi can Nguyễn Hải Dương đã liên tục khóc và ngất xỉu khi hay tin con trai đã bị bắt vì sát hại nhiều người trong gia đình người yêu cũ ở Bình Phước. Còn mẹ của Tuấn đến lúc này vẫn chưa dám tin con mình có thể giết người. Mỗi lời nói của dư luận như "chết trăm lần cũng không thỏa"... như một vết dao cứa vào trái tim của những người mẹ có đứa con tù tội như họ.
Thậm chí báo chí còn thực hiện những cuộc phỏng vấn trực tiếp bố mẹ của hai nghi can để có thêm thông tin và bài viết "đặc biệt"
Câu hỏi phỏng vấn mẹ nghi can Tiến - Ảnh chụp từ báo Thanh Niên
Mỗi lời nói, mỗi hành động của báo chí và dư luận như đang giết chết trái tim vốn đã không còn lành lặn của những bà mẹ. Hãy để họ được tiếp tục đấu tranh và sống khi con mình sa vào tội lỗi. Đừng để những người mẹ ấy phải thêm đau vì dư luận và báo chí mãi mãi không ngừng lên án con họ từng ngày, từng giờ.
Công an đính chính thông tin
Công an phải đính chính rất nhiều thông tin sai lệch của vụ án rúng động ở Bình Phước - Ảnh: nld
Công an phải làm thêm nhiệm vụ "cao cả" sau khi bắt thủ phạm là đính chính thông tin của báo chí đưa ra trước đó. Ví dụ như Na (cháu gái sống sót) là con gái của ông Mỹ và bà Nga chứ không phải của Dương và Ánh Linh, Dương cũng chưa từng bị bà Nga lừa tội ăp cắp tiền để ngồi tù....Công an là để giúp dân và giải quyết thắc mắc của vụ án chứ không phải đính chính thông tin mà báo chí cứ tha hồ bịa đặt trước đó.
Liệu các bài báo đó có vi phạm luật báo chí không và có chế tài nào dành cho họ để những cái chết, những tội ác không bị đào khoét, để những người còn sống và gia đình của kẻ phạm tội không bị lương tâm giày vò bởi thông tin của báo chí và dư luận?
Hai sát nhân đã giết 6 mạng người còn báo chí và dư luận đang giết chết rất nhiều người.
MINH TÂM (Tin8)