Hồi cuối năm 2017, hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab công bố kết quả khảo sát khiến nhiều người giật mình: hàng tháng, người Việt trẻ chi khoảng 13.000 tỷ đồng cho việc ăn quà vặt.
Nghiên cứu tập trung vào nhóm đối tượng sinh năm 1995 trở về sau (hay còn gọi là thế hệ Z).Tại Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người thuộc nhóm này. 56% trong số đó không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 3 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, dù thu nhập khiêm tốn và phụ thuộc nhiều vào gia đình, nhưng mức chi tiêu cho ăn uống bên ngoài của thế hệ Z lên đến 892.400 đồng/người/tháng.

Thống kê cũng chỉ ra, cửa hàng thức ăn nhanh là địa chỉ hấp dẫn nhất với khoảng 25% sự lựa chọn, tiếp đến là 18% quán xá đường phố và 17% cửa hàng tiện lợi. Trong số các món quà vặt được yêu thích, trà sữa là thức uống khiến nhiều người tốn kém nhất. Theo khảo sát, có đến 53% người được hỏi uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần.
Thói quen ăn uống của thế hệ Z khác biệt rõ rệt so với thế hệ trước, điển hình như việc có thể ăn uống bất kể thời gian nào trong ngày và bất cứ một món ăn nước ngoài nào khi về đến Việt Nam đều dễ dàng tạo nên cơn sốt, chẳng hạn như mỳ cay 7 cấp độ hay trà sữa Đài Loan.
Theo báo cáo tổng quan về thị trường snack (bim bim) vừa được Hãng nghiên cứu Statista công bố, ước tính năm 2017, mỗi người Việt chi khoảng 3,77 USD, tương đương 85.000 đồng để tiêu thụ 700 gr snack.

Tại Việt Nam, không một cửa hàng tạp hóa hoặc hệ thống cửa hàng bán lẻ nào không bán sản phẩm này. Nếu thống kê đầy đủ, không dưới 100 loại snack đủ kiểu, hương vị khác nhau, giá trung bình dao động từ 3.000 – 20.000 đồng/bịch tùy loại.
Số liệu cả nước cho thấy, năm 2017, người Việt chi gần 8.000 tỉ đồng để… ăn snack. Dự báo khối lượng tiêu thụ bình quân đầu người trong vòng 4 năm tới sẽ nhích nhẹ lên khoảng 740 gr, đến năm 2021 doanh thu toàn thị trường sẽ đạt khoảng 455 triệu USD, tương đương với việc trong vòng 1 năm, chúng ta sẽ đổ 10.300 tỉ đồng cho việc mua bim bim.
Món ăn vặt “kinh điển” này không chỉ thu hút trẻ em mà còn chinh phục cả các bạn trẻ và bậc phụ huynh tuổi trung niên. Cách đây khoảng hơn 1 năm, nhiều người phát cuồng, ráo riết săn lùng những bịch “bim bim khổng lồ” xuất xứ từ Thái Lan, Hàn Quốc. Mỗi gói snack này có trọng lượng khoảng hơn 500 gr, giá 100.000 – 140.000 đồng/bịch nhưng liên tục “cháy” đơn đặt hàng.
Số liệu báo cáo của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy, năm 2016, thị trường mì gói tại Việt Nam tiếp tục tăng trường 2,5%, giữ nguyên vị trí xếp thứ 4 về tiêu thụ mì trên toàn thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản).

Báo cáo cập nhật thị trường được công bố gần đây nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel (P9/2017) cho thấy mì gói có thể xem là một trong những thực phẩm thiết yếu, khi có mặt gần như 100% trong các hộ gia đình Việt, chiếm một tỉ trọng lớn trong rổ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Xác nhận thị trường mì gói Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook...