Các khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn như Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị… từ lâu đã trở thành “thiên đường” vận chuyển hàng lậu.

Sau khi vác hàng qua vách núi, các cửu vạn đưa hàng cho người khác chở đi bằng xe máy ngay sát nhà kiểm soát liên hợp Cốc Nam. Ảnh: P.V
Đặc biệt, các chủ hàng thường rất ít lộ diện, chủ yếu giao dịch bằng điện thoại, rồi thuê các đối tượng có nhân thân phức tạp ở nơi khác đến khu vực biên giới làm ăn sinh sống cùng người địa phương sang Trung Quốc mua hàng và áp tải hàng về Việt Nam.
Những người làm đi phu vác ở đây đều là những người đến từ vùng nông thôn nghèo khó, từ những “ông cụ” trung niên lất phất hai mầu tóc hay những đứa trẻ 16 – 17 tuổi, ăn học chưa xong nhưng cũng theo bố mẹ lên vùng biên giới này để mưu sinh. Ai cũng mong muốn đổi đời nhờ nghề cửu vạn buôn lậu nơi biên giới. Nhưng đằng sau con đường ấy là nhiều câu chuyện đẫm nước mắt.
Trò chuyện với chúng tôi, Hoàng – quê Bắc Ninh – người từng là chủ hàng, thuê hàng chục cửu vạn vác hàng qua biên giới tại cửa khẩu Tân Thanh kể lại: Cách đây nhiều năm, cuộc sống hai vợ chồng còn khó khăn, thấy hàng xóm nhiều người đi buôn hàng phất lên rất nhanh nên vợ chồng anh cũng đầu tư vốn qua Trung Quốc gom chút hàng mang về Việt Nam bán.
Anh thừa nhận, khi đó việc đi buôn hàng rất nhanh giàu nhưng đổi lại vô cùng vất vả, cực nhọc. Nhiều chuyến hàng anh phải đi theo cửu vạn để trông chừng. “Đáng nể sức chịu đựng của cửu vạn, vác trên vai những gùi hàng cả trăm cân mà vượt rừng phăm phăm. Mình đi trông hàng, có mỗi người không mà cũng thở không ra hơi rồi” –Hoàng nhớ lại.
Sau hơn một năm làm ăn vợ chồng có chút vốn liếng, Hoàng về thị trấn Đồng Đăng mua đất và mở một cửa hàng sửa chữa xe máy, còn vợ anh vẫn tiếp tục công việc lấy hàng trên cửa khẩu. Tưởng rằng cuộc sống vợ chồng sẽ hạnh phúc, ai ngờ vợ anh đi buôn hàng, lại cặp kè rồi bỏ đi theo chủ hàng khác luôn. “Đời không cho không ai cái gì, được chút vốn thì mất vợ, giờ lâm cảnh gà trống nuôi con” – Hoàng trầm tư. Dừng lại một chút, Hoàng kể tiếp: Cánh cửu vạn ở đây nhiều người xuất thân từ vùng quê nghèo, không có việc làm phải xa quê và vợ con để làm ăn. Nhiều người muốn bỏ công việc vừa nặng nhọc lại nguy hiểm này, nhưng bỏ thì chả biết kiếm việc gì để nuôi gia đình.

Các cửu vạn leo qua vách núi đá để vận chuyển hàng lậu ngay sát cửa khẩu Cốc Nam. Ảnh: P.V
Dân ở đây đi hàng nhiều, cũng là nghề chính nuôi sống cả gia đình. Tùy vào sức khỏe mà kiếm được tiền khác nhau. Giá chung mỗi cân hàng cửu vạn được 2.000 đồng, nhiều thanh niên khỏe vác một chuyến được hơn 100kg là chuyện bình thường. Ngày làm vài chuyến là có ngay tiền triệu, Hoàng tính.
Theo Hoàng, những cửu vạn ở đây, người vì ở quê khó khăn nên đi vác hàng, người thì không có việc làm… nhưng nếu là thanh niên đi vác hàng thì chủ yếu là nghiện ngập, hút chích cần tiền “nóng”. Ngày trước mới mở cửa hàng sửa chữa xe máy, cứ tầm chiều là có cửu vạn mang xe máy thồ “nát bét” ra sửa rồi lấy cớ vay anh 100.000 – 200.000 đồng mua tạm ít “thuốc” cầm sức.
“Thế mới bảo sao chúng nó vác được 120 – 150kg hàng leo đồi dốc khó đi như vậy, sức ở đấy chứ ở đâu”. Tầm 3, 4 giờ chiều là dân cửu vạn ở đây bắt đầu di chuyển lên khu vực cửa khẩu. Vác đến gần sáng thì về ngủ sau đó mới ra lấy xe rồi trả tiền. Một ngày của dân cửu vạn là như vậy “ngủ ngày cày đêm”.
Theo ghi nhận của PV, mỗi ngày tầm 1-2 giờ chiều, từng tốp thanh niên, trung niên, cả nam và nữ, trên người là cuộn dây thừng, miếng xốp dày di chuyển lên khu vực cửa khẩu. Con đường mòn ngay sát...