Trong nhiều đêm, PV đã đeo bám những chiếc xe máy, ôtô chở hàng từ khu vực sau chùa Tân Thanh, đường mòn Rọ Bon, phát hiện điểm cuối của những chuyến hàng lậu. Đấy là những nhà kho nằm ở sát các con đường quanh khu vực thị trấn Đồng Đăng… Rất chóng vánh, hàng từ kho chứa được đưa lên các xe tải nhỏ hoặc loại xe Ford Transit hoán cải đã được tháo toàn bộ ghế chở người để chở hàng về nội địa. Phục kích tại đây một thời gian ngắn, PV đã ghi lại được cảnh hàng lậu vận chuyển.

Mặc dù lực lượng chức năng căng mình chống buôn lậu, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp. Ảnh: P.V
Thủ đoạn thông dụng của dân buôn lậu đó là sử dụng những chiếc xe biển giả để đánh lừa các cơ quan chức năng. Loại xe thường được sử dụng là xe Suzuki 7 chỗ (dân địa phương gọi là xe cóc) và xe tải loại 16 tấn. Đặc biệt, để các phi vụ trót lọt, các chủ hàng đã “hợp thức hóa” hàng lậu thành hàng hợp pháp bằng thủ đoạn mua hóa đơn.
Theo báo cáo của Trạm Kiểm soát liên hợp (KSLH) Dốc Quýt (Lạng Sơn) – chốt chặn phòng tuyến quan trọng thứ hai sau tuyến biên giới trong việc ngăn chặn hàng nhập lậu vào thị trường trong nước – năm 2017, các lực lượng chức năng của trạm đã kiểm tra, xử lý 274 vụ vi phạm, trong đó có 218 vụ vận chuyển hàng lậu, 28 vụ vận chuyển hàng cấm như pháo nổ, súng, dao, kiếm, dụng cụ… với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 7,5 tỷ đồng.
Trao đổi với Dân Việt, Trạm trưởng Trạm KSLH Dốc Quýt Nguyễn Minh Tuấn cho biết, các mặt hàng sau khi vận chuyển trót lọt qua biên giới, sẽ được các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa thành hàng hợp pháp bằng cách mua hóa đơn chứng từ, khai khống giá trị hàng… để qua mặt các lực lượng chức năng.
Cụ thể, các chủ hàng lậu sẽ khai giá trị hàng hóa rất thấp, hoặc gom hàng miễn thuế của cư dân biên giới xé lẻ vào các chợ. Tiếp đó, các chủ hàng sẽ dùng hóa đơn mua của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện giáp biên như Văn Lãng, Cao Lộc…, để hợp thức hóa hàng lậu thành hàng hợp pháp, sau đó có thể công khai tiêu thụ. Do đó, để ngăn chặn việc buôn bán hàng luậu, hợp thức hóa hàng lậu bằng việc mua hóa đơn, chứng từ thì phải chặn việc mua bán hóa đơn này triệt để – Trạm trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Là người nhiều năm gắn liền với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Đội trưởng QLTT số 2 (Chi cục QLTT Lạng Sơn) Chu Ngọc Hà phân tích thêm: Các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa hàng lậu bằng việc mua sau đó viết hóa đơn khống.

Hàng lậu được tập kết và vận chuyển khu vực gần chùa Tân Thanh. Ảnh: P.V
Khi hàng lậu được hợp thức hóa bằng hóa đơn, hàng sẽ được vận chuyển về xuôi để tiêu thụ. Nếu không may lực lượng chức năng có kiểm tra cũng khó có thể xử lý, tịch thu số hàng lậu này do hàng đã có hóa đơn hợp lệ. Kể cả trường hợp làm rõ được hành vi khai khống hóa đơn hoặc mua hàng không rõ nguồn gốc, lực lượng chức năng cũng chỉ xử lý hành chính chủ hàng, với mức phạt không đủ sức răn đe.
Theo tìm hiểu của PV, những hóa đơn này được Cục Thuế Lạng Sơn cấp cho những hộ kinh doanh là người có hộ khẩu tại các huyện giáp ranh biên giới Việt – Trung. Mua hóa đơn không khó, chỉ cần đồng ý thanh toán 6 – 7% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn thì các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng cấp hóa đơn khống cho các chủ hàng lậu, với số lượng hàng hóa và giá trị tùy theo ý chủ hàng.
Theo như tờ hóa đơn mà chúng tôi mua được, nồi cơm điện được ghi với giá 20.000 đồng/chiếc, bếp từ cũng giá 20.000 đồng/chiếc, nồi lẩu điện thậm chí chỉ...