Là một phường có điểm tham quan du lịch nổi tiếng với nghề dệt lụa tơ tằm nhưng vẫn tồn tại tình trạng "nhà không số, phố không tên"
Nhà không số
Được biết, hiện nay tại phường Vạn Phúc có khoảng 1.000 ngôi nhà không có biển số. Ngay cả những cơ quan, tổ chức nhà nước hay trường học cũng chẳng có địa chỉ rõ ràng. Bên ngoài cổng chỉ có tấm bảng đề các dòng chữ như: “Khối Chiến Thắng, phường Vạn Phúc…” và cũng không quên kèm theo số điện thoại liên lạc để cho những gười lần đầu đến đây còn tiện gọi điện hỏi đường.
Được biết có 3.299 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn phường Vạn Phúc , trong đó có 2.286 trường hợp đủ điều kiện cấp biển số nhà và đã cấp được 1.563 trường hợp; còn lại 1.013 trường hợp chưa được cấp biển số nhà.
Hơn 1.000 hộ dân không có số nhà. Ngay cả các cơ quan nhà nước, trường học cũng không có địa chỉ cụ thể
Vì vậy, cách duy nhất để tìm đến địa chỉ các nhà ở đây là gọi điện để được chỉ dẫn. Đến thăm nhà ai, khách cũng phải hỏi thăm thật kỹ càng ngay từ đầu làng, đầu ngõ mới mong tìm đến đúng địa chỉ. Khách chỉ biết đứng ở đầu đường hay một điểm nào dễ nhận biết nhất rồi gọi liên lạc với chủ nhà ra đón mà thôi.
“Nói là nói vậy thôi chứ đường Vạn Phúc dài hàng mấy cây số, hỏi thăm thế nào được mà tìm đến. Nhiều hôm, tôi có người nhà ở quê ra chơi, hướng dẫn đường cho họ tới cũng mệt bở hơi tai. May mà thời nay có điện thoại để liên lạc chứ không thì chẳng biết đường nào mà lần”, bà Nguyễn Thị An- khối 10 đường Vạn Phúc cho biết.
Phố nhiều tên…
Chẳng có một quy định nào được đặt ra rõ ràng, dẫn đến sự lộn xộn ngay cả trong cách gọi tên đường. Cũng là một con đường Vạn Phúc đó nhưng mỗi người đều có những cách gọi riêng “tùy theo thói quen” của mình. Người thì ghi địa chỉ là ở đường Vạn Phúc, người không thích lại nói mình ở đường Lương Thực, người khác lại kêu địa chỉ nhà mình ở đường 430 hay có hộ ghi ở Cầu Am. Thậm chí hai nhà ở cạnh nhau nhưng trong giấy tờ lại ghi tên đường không giống nhau.
Một con đường nhưng có tới 4 tên gọi khác nhau, chẳng ai quan tâm tên gọi nào đúng, tên gọi nào sai bởi cũng chẳng có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm chứng hay quy định cho rõ ràng. Vì thế, dân thích tên gọi nào thì dùng tên đó cho cách liên hệ của mình.
Được biết, tình trạng này diễn ra từ rất nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết. Cũng theo phản ánh của bà An thì “tình trạng nhà không số, phố lắm tên có từ cái thời Hà Đông vẫn thuộc tỉnh Hà Tây cơ. Thế mà mãi đến tận ngày nay khi đã nhập vào thủ đô Hà Nỗi thì nó vẫn giữ nguyên hiện trạng, chẳng có gì thay đổi”.
“Dân kêu đã đóng tiền làm biển số nhà rồi, chính quyền bảo chưa…”
Có thông tin việc gắn biển số nhà cũng như cấp giấy chứng nhận số nhà đã được các phường thuộc quận Hà Đông triển khai từ năm 2014 và đã trình lên Phòng Quản lý đô thị thẩm định báo cáo lãnh đạo quận ký duyệt. Thế nhưng cho đến nay vẫn có 1.013 trường hợp chưa được cấp biển số nhà.
Khi được hỏi về tình trạng này, UBND phường Vạn Phúc lí giải như sau: “Do người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa làm thủ tục sang tên cho người hiện đang sử dụng đất theo quy định; các trường hợp nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa công chứng; các trường hợp mua bán, chuyển nhượng mới nộp hợp đồng, chưa làm thủ tục sang tên cấp giấy chứng nhận, một số trường hợp không sinh hoạt tại địa chỉ nên cán bộ phường không liên hệ được để thông báo nộp hồ sơ…”.
Tuy nhiên, người dân hoàn toàn không đồng tình với cách giải thích như trên của chính quyền. Bởi theo họ, những lí do lãnh đạo phường Vạn Phúc nêu ra chỉ đúng với những trường hợp hộ dân ở các tuyến phố mới, còn những hộ dân sống lâu đời ở đây thì không thể nói là giấy tờ chưa rõ được.
Một con phố mà có tới 4 tên gọi khác nhau nên mỗi lần có việc tìm đến nhà nào ở phường Vạn Phúc là khách lại có phen loay hoay tìm nhà đến "vã cả mồ hôi hột"
Ông Lưu Thanh Nghị, một hộ dân sống ở đường Vạn Phúc cho biết thêm thông tin: “Cách đây vài năm, chúng tôi đã đóng tiền để chính quyền là biển số nhà, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà nào có biển số”.
Còn UBND phường Vạn Phúc lại cho biết là họ không hề nhận được nhiệm vụ này và cũng không giao nhiệm vụ này cho bất kỳ ai làm.
Được biết, trước đây ngày 4-6-2015 UBND quận Hà Đông có hướng dẫn việc cấp biển số nhà trên địa bàn và “Phòng Quản lý đô thị quận có trách nhiệm thu lệ phí cấp biển số nhà với mức 45.000 đồng/biển cấp mới và 30.000 đồng/biển cấp lại và phải niêm yết hoặc thông báo công khai điểm thu lệ phí về tên lệ phí, mức thu, phương thức thu và cấp chứng từ thu lệ phí cho đối tượng nộp”.
Tuy nhiên, về mức thu lệ phí cấp biển số nhà trong văn bản này có ghi chú nội dung thu lệ phí cấp biển số nhà chưa bao gồm tiền làm biển.
Dân kêu đã đóng tiền rồi, chính quyền lại bảo chưa, ai đúng ai sai đến nay vẫn chưa có câu trả lời, nhưng nếu như tình trạng “nhà không số, phố nhiều tên” cứ diễn ra như hiện nay thì còn rất nhiều cảnh “dở khóc, dở cười” khi ai đó phải loay hoay tìm nhà người thân ở phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Đặc biệt, đây lại là nơi có làng lụa Vạn Phúc - một làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng có từ ngàn năm trước thì việc tìm lại tên phố, số nhà cho các hộ dân nơi đây là điều cần thiết, để khi du khách đến đây không phải “ngỡ ngàng” trước “chuyện thật như đùa” ngay giữa lòng Thủ đô.
DZUNG LÊ (Tin8, ảnh: Internet)