“Lách” luật quảng cáo thực phẩm chức năng

Ngày đăng: 27/12/2016
3,464 Read
219 Share
Không thể quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng chữa bệnh nên nhiều doanh nghiệp đang “lách” bằng thư cảm ơn, bài “nhân vật chia sẻ” khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì các doanh nghiệp này nói rằng “không biết ai đã quảng cáo sai, còn công ty tôi là vô can”!

Núp bóng “nhân vật chia sẻ”

Một bài chia sẻ của một người 65 tuổi bị bệnh gout ở Ninh Bình về một loại thực phẩm chức năng B. có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh này được đăng trên không ít tờ báo, trang tin điện tử.

Theo đó, trước khi sử dụng sản phẩm B., nhân vật đã có 10 năm sống chung với bệnh gout, mỗi lần đau đớn phải uống đến 4 viên thuốc điều trị gout nhưng phải 5 - 6 ngày sau mới hết đau.

Nhưng từ khi được giới thiệu về loại thực phẩm chức năng B. có 12 loại thảo dược đặc trị gout, ông sử dụng liên tục trong vòng 1 tháng, chỉ số acid uric từ 700µmol/l giảm xuống còn ở mức 300µmol/l, dùng liên tục 5 tháng không còn cơn đau, dùng liên tục 2 năm bị sỏi thận cũng hết nên ông viết thư cảm ơn!

Môtíp chung của hình thức “nhân vật chia sẻ” là: trước khi sử dụng sản phẩm thì khổ sở về bệnh tật như thế nào, khi sử dụng sản phẩm một thời gian thì bệnh tình thuyên giảm, khỏi hẳn các triệu chứng do bệnh gây nên hoặc nếu không sử dụng tiếp bệnh lại tái phát... - đó cũng chính là lý do để nhân vật viết thư cảm ơn, chia sẻ với người khác. Để thêm tính thuyết phục, những bài chia sẻ đều có tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh cụ thể của nhân vật trải nghiệm.

Mô tả hình

Các quảng cáo tác dụng trị ung thư của sản phẩm chiết xuất từ rong nâu. Nhiều người đã phản ứng những quảng cáo này trên mạng xã hội vì cho rằng tác dụng không như quảng cáo Ảnh: L.A.

Ngoài báo điện tử, các trang tin chính thức, hiện các dạng bài giới thiệu, thư cảm ơn của bệnh nhân đã được đăng rất nhiều trên mạng xã hội. Thậm chí có cơ sở còn sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo. Một biên tập viên nhiều năm xuất hiện trên bản tin của Đài truyền hình VN cũng đã xuất hiện ở quảng cáo sản phẩm... trị bệnh trĩ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, biên tập viên này cho biết toàn bộ nội dung quảng cáo liên quan đến cá nhân anh là ngụy tạo. Biên tập viên kể trên có bị tổn hại chút ít về hình ảnh, nhưng có những người bệnh đã bị tổn hại sức khỏe khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo rầm rộ và gián đoạn quá trình điều trị chính thức.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, 27 tuổi ở Bắc Giang, đã trải qua 4 năm điều trị bệnh ung thư máu, mới đây đã tổ chức các buổi live stream trên mạng xã hội trao đổi kinh nghiệm điều trị với những người bệnh ung thư khác. Theo chị Hương, kinh nghiệm của chị là tuyệt đối tuân thủ phác đồ của bác sĩ, không tùy ý sử dụng sản phẩm được quảng cáo trên mạng xã hội.

“Một người cùng điều trị với tôi đã trốn bác sĩ để dùng loại nấm được quảng cáo nhiều, nhưng hậu quả rất đáng tiếc, bạn ấy đã mất sau đó một thời gian vì bị gián đoạn điều trị” - chị Hương nói với phóng viên Tuổi Trẻ.

“Tắc” quản lý quảng cáo trên mạng

Theo quy định trong nghị định 158 của Chính phủ về xử lý vi phạm về quảng cáo, hành vi sử dụng thư tín, hình ảnh của nhân viên và cơ sở y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, quảng cáo gây hiểu lầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh... sẽ bị xử phạt 20-30 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhiên - phó chánh thanh tra Bộ Y tế, nếu muốn phạt doanh nghiệp sử dụng thư cảm ơn của bệnh nhân, chia sẻ của người dùng sản phẩm thì phải chứng minh mối liên quan giữa nhà cung cấp sản phẩm/công ty quảng cáo và quảng cáo đó. “Nhiều trường hợp không dễ chứng minh, nhất là quảng cáo trên mạng xã hội. Muốn chứng minh thì phải mất nhiều thời gian, công sức” - ông Nhiên chia sẻ.

Một chuyên gia của Bộ Y tế cũng nói rằng: “Thực tế chỉ xử phạt được nếu chứng minh được cá nhân, doanh nghiệp cụ thể đã thực hiện hoặc phát hành quảng cáo, nhưng quảng cáo bằng tờ rơi, trên mạng xã hội thì rất khó chứng minh. Nhiều khi chúng tôi phải dùng hình thức công bố quảng cáo đó vô thừa nhận để gián tiếp công bố đó là thông tin sai lệch”.

Xem thêm: http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161226/lach-luat-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang/1242196.html

3,464 Read
219 Share
(299)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang