Thẩm mỹ viện của bà Năm Ra đô là cơ sở lưu giữ sắc đẹp lớn nhất nhì Sài Gòn thời ấy - Ảnh minh họa: Internet
Những ngày cuối đời của Cẩm Nhung - người phụ nữ hồng nhan bậc nhất Sài Gòn một thời phải gắn liền với gương mặt quỷ dữ vì bị axit tàn phá nặng nề. Cay đắng hơn, kẻ chủ mưu hủy hoại dung nhan người khác lại trở thành bà chủ của một thẩm mỹ viện có tiếng thời bấy giờ.
Như một định mệnh, vụ tạt axit Cẩm Nhung là trọng án cuối cùng khép lại triều đại nhà Ngô. Hàng loạt biến động chính trị sau đó khiến cuộc đời những người trong cuộc bước sang một trang mới. Họ hàng nhà Ngô phải rời khỏi dinh Tổng thống để sang một nơi ở khác, coi như mất hết thế lực đang có. Chính vì thế mà bà Trần Lệ Xuân (vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu) cũng không còn điều kiện thực hiện lời cam kết sẽ bảo bọc phần đời còn lại của vũ nữ Cẩm Nhung.
Những người trượng nghĩa trong giới trí thức thời bấy giờ cũng vì quá phẫn nộ trước tội ác của chủ mưu Năm Ra đô mà lên tiếng giúp Cẩm Nhung đòi lại công lý hoặc sẽ cưu mang nàng nhưng cũng không mấy ai làm được. Thực chất, trí thức thời đó ai cũng nghèo. Lo miếng ăn cho bản thân và gia đình còn chật vật, nói chi việc cưu mang người khác.
Thế lực suy vong, bà cố vấn Trần Lệ Xuân cũng không còn đủ điều kiện bảo bọc Cẩm Nhung như lời tuyên bố trước đó - Ảnh: Internet
Ngay sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, hung thủ Chín Đen (kẻ trực tiếp tạt lon axit vào mặt Cẩm Nhung) được phóng thích. Lẽ ra, tội ác của mụ phải ngồi tù 10 năm. Tức là tới năm 1971 mụ mới mãn án. Còn mụ Năm Ra đô cũng chỉ thụ án 2 năm rồi được thả tự do. Mụ tung tin đồn rằng mụ đi tu để sám hối nhưng thực ra đó chỉ là những thông tin mị dân, xoa dịu dư luận. Sự thật là mụ không hề đi tu. Thậm chí, đầu năm 1964, mụ mở hẳn một thẩm mỹ viện lớn nhất nhì Sài Gòn.
Dĩ nhiên, sau khi ra tù, bà Năm Ra đô có quyền mưu sinh, làm lại cuộc đời. Tác giả cũng mong xã hội chấp nhận sự hoàn lương của kẻ từng là tội đồ trong cơn cuồng ghen ấy. Nhưng tại sao không phải là một nghề khác? Một lĩnh vực kinh doanh khác mà lại là thẩm mỹ viện - nơi lưu giữ sắc đẹp cho phụ nữ? Có đáng mỉa mai không khi bà chủ của một cơ sở làm đẹp nổi tiếng lại là kẻ đã dùng chất độc chấm dứt cuộc đời hồng nhan của một cô gái?
Bến phà miền Tây là nơi thường xuyên lắng nghe tiếng hát ai oán của Cẩm Nhung trong những tháng ngày cùng cực - Ảnh minh họa: Internet
Sau khi biết tin bà Năm mở thẩm mỹ viện, báo chí thời đó đồng loạt nêu quan điểm đưa vũ nữ Cẩm Nhung vào viện sửa sắc đẹp ấy để bà ta phục hồi nhan sắc cho Nhung. Nhưng làm sao được khi hành tung của Cẩm Nhung lúc bấy giờ đang là dấu hỏi lớn. Hơn nữa, các nền y học tiên tiến đều chỉ có khả năng giữ lại mạng sống cho người con gái ấy chứ nhan sắc thì đành “bó tay”!?
Rồi một ngày cuối năm 1964, nhiều người chứng kiến cảnh một người đàn bà ăn xin với khuôn mặt không giống con người, đội chiếc nón rách tả tơi ngồi dưới cơn mưa phùn. Trên ngực bà vẫn còn đeo tấm ảnh chụp với Trung tá Thức thời còn son sắc. Thỉnh thoảng, bà cất giọng hát ai oán mà dù cho lòng dạ sắt đá cỡ nào, người nghe cũng phải chạnh lòng thương cảm…
KHÁNH HÒA (Tin8, Bài viết tham khảo tư liệu của nhà văn H.T.Đ)