
Những người phụ nữ xinh đẹp ở bộ tộc tự do luyến ái Mosuo- Ảnh: Internet
Từ thưở khai thiên lập địa cho đến nay, phụ nữ luôn bị ràng buộc bởi nhiều nguyên tắc trong cuộc sống hơn đàn ông, từ lối sống chuẩn mực cho đến việc giữ gìn công dung ngôn hạnh. Trong thời phong kiến, mặc cho đàn ông có năm thê hay bảy thiếp thì người phụ nữ vẫn phải giữ gìn phẩm giá cho mình bằng cách toàn tâm toàn ý chung thủy với chồng, trước khi lấy chồng thì phải giữ gìn trinh tiết. Cho đến nay, khi lối sống xã hội đã hiện đại và phóng khoáng hơn xưa, nhiều phụ nữ vẫn còn bị áp lực bởi những giáo điều cũ kỹ. Chuyện lăng nhăng, phóng túng với đàn ông luôn là điều cấm kỵ. Thế nhưng ít ai biết rằng, trên thế giới vẫn còn tồn tại một nơi được xem là “thiên đường” của nữ giới - nơi phụ nữ thỏa sức cặp kè với đàn ông.
Đây là một bộ tộc mang đặc điểm văn hóa rất riêng, không giống với một nơi nào trên thế giới. Họ theo chế độ mẫu hệ, sống không cần hôn nhân, ràng buộc nhưng các gia đình ở đây vô cùng đầm ấm, hòa thuận, hoàn toàn không xảy ra chuyện ly hôn hay ly thân.
“Tây lương nữ quốc”
Thoạt nghe, bạn sẽ tưởng rằng nữ quốc chỉ có trong một bộ phim huyền thoại lừng danh một thời - Tây Du Ký. Song “đất nước” thú vị đó không chỉ tồn tại trên phim mà có thật ngoài đời. Những người thuộc bộ tộc này là dân tộc thiểu số Mosuo - một dân tộc theo chế độ mẫu hệ còn sót lại duy nhất ở Trung Quốc.
Nhóm người dân tộc Mosuo hiện nay còn khoảng 40.000 người. Họ theo Phật giáo Tây Tạng. Vì theo chế độ mẫu hệ nên đối với gia đình người Mosuo, phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm chủ chốt trong mọi quyết định và quản lý tất thảy từ đơn giản đến trọng đại. Các giấy tờ về nhà cửa, đất đai cũng do họ nắm giữ. Ngoài ra, phụ nữ cũng sẽ là người kiểm soát tài chính, đưa ra cách nuôi dạy, giáo dục con trẻ.
Nếu ở chế độ thông thường, đàn ông là trụ cột gia đình thì ở chế độ mẫu hệ của người Mosuo, phụ nữ sẽ là “tướng” trong nhà. Mỗi gia đình có một “đại nữ tướng” chỉ huy các thành viên còn lại. Khi người này lớn tuổi sẽ truyền ngôi vị lại cho một nữ tướng khác cùng việc giao chìa khóa nhà kho – nơi lưu trữ lương thực, nhu yếu phẩm – cùng việc thông báo cho tất cả các thành viên về sự “chuyển giao quyền lực” này.
Hiện tại “Tây lương nữ quốc” đang sống quanh hồ Lugu (Lô Cô), thuộc thành phố Lệ Giang, nơi giáp ranh giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, biên giới với Tây Tạng, Trung Quốc. Các “nữ vương” đã sinh sống và gìn giữ truyền thống của bộ tộc mình tại đây trong suốt 2.000 năm qua.

Phụ nữ Mosuo được phép có nhiều bạn tình cùng một lúc và có thể chia tay bất cứ khi nào họ muốn - Ảnh: Internet
Theo lịch sử ghi chép, cuộc sống của bộ tộc Mosuo đã ổn định hàng trăm năm với nền văn hóa này. Tính từ thời nhà Nguyên cai trị Trung Quốc, từ năm 1271 đến 1368, bộ tộc Mosuo được quản lý bởi một hệ thống thủ lĩnh bản địa cùng một cơ chế phân cấp xã hội cứng nhắc. Dù sống cùng với các dân tộc thực hành hôn nhân thông thường khác, hầu như tất cả người Mosuo vẫn duy trì tập quán “tiesese” (phụ nữ là chủ gia đình và không kết hôn) của mình.
Ngủ với bất kỳ người đàn ông mà họ muốn
Những phụ nữ thuộc bộ tộc Mosuo không ràng buộc mình vào cuộc sống hôn nhân một vợ một chồng. Họ có quyền ngủ với bất kỳ đàn ông Mosuo nào mà họ muốn.
Khi các bé gái bước vào tuổi 13 - độ tuổi dậy thì - sẽ được xem là một phụ nữ và bắt đầu tách ra ở phòng riêng ngay trong nhà mình. Sau đó, bé gái sẽ được thỏa thích gọi bất cứ chàng trai nào mà mình thích tới phòng riêng để làm “bạn tình”. Trong trường hợp người đến không vừa mắt, nàng có thể từ chối không chút do dự ngay trước mặt cậu ta.
Vào những dịp bộ tộc tổ chức tiệc giao lưu, mọi người sẽ cùng nhau nhảy điệu truyền thống. Đây cũng là dịp các cô gái “nhắm” cho mình một anh chàng vừa mắt. Nếu thích, nàng sẽ ngỏ ý với chàng trai và hai người sẽ có với nhau một đêm "thân thiết". Sau đó, họ có thể “đường ai nấy đi” hoặc làm bạn tình với nhau cả đời.
Mặc dù phụ nữ luôn chủ động nhưng phái mạnh vẫn có thể kết bạn nếu họ muốn. Khi chàng trai có cảm tình trước, anh ta có thể lại gần chạm tay mời cô gái nhảy cùng, nếu bạn gái đồng ý sẽ chấp nhận bằng cách chạm ngược lại vào tay chàng trai.
Ngoài ra, nữ nhân Mosuo còn có thể kết bạn với nhiều chàng trai và qua đêm lần lượt với họ trong một khoảng thời gian ngắn cho đến khi cảm thấy chán. Phụ nữ Mosuo cũng sẽ không kết hôn mà chỉ duy trì việc kết bạn tình hằng đêm. Khi trời tối, chàng trai được chọn sẽ bắc một chiếc thang lên nhà cô gái và vào căn gác riêng hoặc phòng riêng của cô. Hai người sẽ cùng nhau thân mật suốt đêm nhưng trước khi trời sáng, nam thanh niên phải rời khỏi căn gác.

Hồ Lulu, nơi nam nữ người Mosuo tự do tắm chung - Ảnh: Internet
Khi đến nhà cô gái, các chàng trai thường mang theo một chiếc nón, một cây gậy và vài cái bánh bao. Cô gái dùng chiếc nón treo ra ngoài cửa sổ để kẻ đến sau có thể nhìn thấy mà đi về, tránh được trường hợp nhiều chàng trai cùng mò đến căn gác trong một đêm. Còn chiếc gậy cô gái sẽ dùng để xua rắn rết hay hù dọa lũ chó. Còn bánh bao chính là đồ ăn “hối lộ” lũ chó để nam thanh niên dễ dàng trèo vào căn gác.
Trong trường hợp cô gái bỗng “hết cảm hứng” đúng lúc chàng trai đến, cô sẽ có quyền ngăn không cho anh ta trèo vào căn gác hoặc đuổi thẳng thừng. Mặc dù phụ nữ Mosuo được quyền quan hệ tình dục rất thoáng, song xuất phát điểm họ cũng là những cô gái yêu trong sáng bằng chính trái tim mình chứ không phải vì các tiêu chuẩn về tiền bạc hay áp lực gia đình hoặc vấn đề nào khác.
Đàn ông không có quyền nuôi con
Không chỉ có “nữ quyền” trong chuyện giường chiếu, nữ nhân của bộ tộc Mosuo còn là người quyết định việc con mình lớn lên như thế nào. Theo đó, chàng trai là bố đứa bé sẽ không được ẵm con về nuôi hay xen vào bất cứ cách nuôi dưỡng, giáo dục nào. Chàng trai chỉ được lui tới thăm non con mình. Đêm đêm, anh ta vẫn có thể đến “gần” vợ. Trời sáng, chàng trai lại về nhà tiếp tục với công việc đồng áng, săn bắt, vào rừng... còn cô gái sẽ ở nhà làm công việc dệt thổ cẩm, đem ra chợ bán.
Đứa trẻ lớn lên vẫn tiếp tục sống trong nhà mẹ đẻ, không đi làm dâu hay làm rể cho ai. Không một người đàn ông nào trở thành cha của những đứa trẻ được sinh ra, cũng không sống cùng hay chăm sóc chúng. Những chú bác bên mẹ sẽ là người dạy dỗ đứa trẻ thay cho cha của chúng.
Mặc dù rất thoáng trong chuyện tìm bạn tình của nữ giới, người Mosuo cũng có những quy định nhất định để tránh tảo hôn và sinh ra những đứa con dị dạng. Tuy nhiên, trong trường hợp những người cận huyết thống vẫn muốn “gần gũi” với nhau thì bộ tộc Mosuo vẫn tôn trọng và cho phép.
Tự do luyến ai nhưng sống rất đầm ấm
Nhiều người trên thế giới sẽ nghĩ rằng với một nơi tự do luyến ái và thay đổi người tình quá thường xuyên như Mosuo sẽ có một cuộc sống dị hợm hoặc thiếu coi trọng cuộc sống gia đình. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, người Mosuo sống rất đầm ấm, hòa thuận, không bao giờ có trường hợp ly dị hay ly thân. Ngay cả gia đình có nhiều thế hệ sống chung cũng không xảy ra bất kỳ xích mích hay va chạm nào nghiêm trọng cả.
Dù được tự do thay đổi bạn tình nhưng trên thực tế các phụ nữ Mosuo cũng rất ít khi thay đổi người tình thường xuyên. Họ cũng hiếm khi quan hệ với hai người đàn ông trở lên cùng lúc. Họ sẽ duy trì mối quan hệ với người họ thích lâu hơn và khi có con, mối quan hệ này sẽ trở nên khăng khít hơn nhiều.

Mặc dù được tự do luyến ái nhưng các gia đình ở bộ tộc Mosuo sống rất đầm ấm - Ảnh: Internet
Trường hợp đứa con sẽ không biết đâu chính xác là cha đẻ của nó thì với người Mosuo, điều đó không quan trọng. Họ quan niệm, “con nào chả là con” và đứa bé sẽ được nuôi nấng, giáo dục cẩn thận ngay trong nhà mẹ đẻ mà không đặt nặng việc phải có cha ruột chăm sóc, dạy dỗ.
Ngoài ra, mọi người rất hòa đồng, vô tư sống. Họ cùng nhau lao động và vui chơi giải trí trong các ngày rảnh rỗi và đặc biệt không bao giờ bàn tán về cuộc sống riêng của người khác.
Các “nữ vương” sống rất e dè vì sự khác biệt của bộ tộc với bên ngoài
Chuan-Kang Shih – một chuyên gia về người Mosuo kiêm giáo sư nhân chủng học tại Đại học Florida cho biết, vào những năm cuối thập niên 1980, người Mosuo rất e dè, thậm chí phủ nhận sự tồn tại của hôn nhân. Đến giữa những năm 1990, khi ngành du lịch nhen nhóm tại khu vực hồ Lô Cô, họ lại nhìn nhận nó như một vốn liếng để thu hút khách và bắt đầu tự hào về nó.
Do những ngôi làng của người Mosuo tách biệt với thế giới bên ngoài nên rất ít người biết đến phong tục của họ. Bản thân họ cũng không tiếp xúc và cảm thấy e dè với văn hóa hiện đại bên ngoài. Họ cũng cảm thấy sự khác biệt của bộ tộc mình và luôn nghĩ những ai nói sự tự do luyến ái không hôn nhân của họ khiến gia đình không yên ấm, hạnh phúc là sự sỉ nhục.
Những năm 1950-1970, với sự can thiệp của chính phủ, làng Mosuo dần thay đổi. Từ khi Cách mạng Văn hóa kết thúc vào năm 1976, sự hiện diện của nhà nước gần như biến mất khỏi cuộc sống thường nhật của người Mosuo. Giới chuyên gia đánh giá sự tăng cường giám sát trước đó đã để lại thái độ mâu thuẫn về tiesese cho các thành viên trong tộc.
Bây giờ, chế độ một vợ, một chồng dù không tồn tại nhưng nhiều phụ nữ đã có quan hệ gắn bó với một người đàn ông duy nhất. Văn hóa lạ của người Musuo hiện đang thu hút sự tò mò của khách du lịch đến vùng đất này mỗi năm càng nhiều. Đồng thời, nền công nghiệp du lịch cũng đang dần dần làm thay đổi nền văn hóa lâu đời của họ.
NGÂN CA (Tin8)