Đây là cơ hội để nông dân Thủ đô bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với các cấp chính quyền cao nhất của thành phố trong việc hỗ trợ cơ chế chính sách, tín dụng... nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển nông nghiệp nông thôn Thủ đô trong giai đoạn mới.
Khó xây dựng thương hiệu nông sản an toàn
Năm 2017, sản xuất nông nghiệp được thành phố tiếp tục quan tâm, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% xuống còn 2,57%; thành phố quan tâm chỉ đạo và thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn thành phố có 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 4 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội nhận định, trong năm 2017, nông nghiệp Hà Nội đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế như ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, tính cạnh tranh chưa cao; các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm...
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) khẳng định: Để phát triển nông nghiệp bền vững, phải đầu tư cây, con giống có năng suất, chất lượng cao với tem nhãn cụ thể nhưng thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay hầu hết vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa liên kết chặt chẽ. Ông Hiền đề nghị thành phố quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản truyền thống, hỗ trợ sản xuất tem nhãn để gắn trách nhiệm người sản xuất, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Với những Hội Nông dân, hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu cần duy trì và bảo vệ thương hiệu để người nông dân yên tâm sản xuất lâu dài.
Chung ý kiến với ông Hiền, bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết, Hội Nông dân xã Thanh Xuân từ 10 năm qua đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất rau hữu cơ theo chuỗi liên kết. Kết quả cho thấy, đây là phương pháp, hướng đi đúng đắn cho các hộ sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ. Hiện 37,5 ha rau hữu cơ của Hội Nông dân xã Thanh Xuân chỉ đáp ứng được khoảng một phần tư đơn hàng.
Tuy nhiên, theo bà Hậu, quá trình sản xuất, chăn nuôi khi bắt đầu vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất và bảo vệ thương hiệu, dẫn đến chuyện “làm giả ăn thật”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các vùng nuôi trồng, khiến một số nông dân mất niềm tin vào sản xuất và bỏ cuộc. Bà Hậu đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ rõ ràng về vật chất và nguồn nhân lực, xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản an toàn, công nghệ cao.
Xây dựng thương hiệu cũng là mối quan tâm của nhiều nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp sạch. Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì và ông Đào Việt Dũng - Hợp tác xã Việt Doanh, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) cùng chung nhận định, việc xây dựng thương hiệu...