Hà Nội đồng ý đăng cai tổ chức SEA Games 31 - Ảnh: Internet
Ngay từ giữa năm 2015, sau khi có quyết định của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần 31 (SEA Games 31) năm 2021 tại Việt Nam, một câu hỏi được đặt ra ở đây là nên tổ chức SEA Games 31 ở Thủ đô Hà Nội từng có kinh nghiệm tổ chức SEA Games hay TP. HCM - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất Việt Nam?
Thực tế, ngay sau lá thư đề nghị xác nhận của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á vào ngày 4-6-2015 về việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31, ngành TDTT đã có kế hoạch dự kiến tổ chức kỳ Đại hội này tại TP.HCM. Vậy nên, Hà Nội đồng ý đăng cai SEA Games 31 đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.
Phương án đăng cai SEA Games ở TP.HCM hoàn toàn khả thi
SEA Games là ngày hội thể thao lớn nhất mang tầm khu vực - Ảnh: Internet
Thông thường, việc tổ chức đăng cai một kỳ Đại hội lớn mang tầm vóc quốc tế sẽ được tổ chức ở chính thủ đô của nước đó. Thực tế, Hà Nội đã từng đăng cai nhiều Đại hội thể thao lớn như SEA Games 2003, Asian Indoor Games năm 2009…
Tuy vậy, phương án đăng cai SEA Games ở TP.HCM hoàn toàn có thể thực hiện. Xét về vị thế, TP. HCM hoàn toàn xứng đáng và đáp ứng yêu cầu cho sự kiện như SEA Games. Thêm vào đó, việc tổ chức một kỳ đại hội lớn nằm ở các thành phố khác đã được nhiều nước áp dụng và rất thành công, đơn cử như Thái Lan.
Theo thông kê, kinh tế vùng TP.HCM và Đông Nam Bộ đóng góp 40% GDP cả nước, nên bài toán về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ cho lần tổ chức SEA Games 31 hoàn toàn có thể huy động được. (Số vốn đầu tư để tổ chức SEA Games 22 ở Hà Nội trước đây là 5000 tỷ đồng).
… nhưng TP.HCM vẫn chưa sẵn sàng?
Dù là trung tâm kinh tế lớn nhưng việc tổ chức đăng cai SEA Games 31 phải mất một khoản kinh phí đầu tư rất lớn - Ảnh: Internet
Nếu TP.HCM đăng cai tổ chức SEA Games 31 thì sẽ tạo nhiều cú hích lớn để thể thao, kinh tế, văn hóa tại thành phố mang tên Bác phát triển. Đây sẽ là cơ hội cải thiện tình tình cơ sở vật chất thể thao đang dần xuống cấp và xây mới nhiều công trình, cơ hội để quảng bá thành phố, phát triển du lịch thông qua các dịch vụ mua sắm, ẩm thực...
Tuy nhiên, khoảng thời gian 6 năm để chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng khó có thể hoàn thiện. HCM cần có một sân vận động mới để tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, thi đấu điền kinh, bóng đá, dù có vị trí quy hoạch nhưng không đơn giản muốn là khởi công được ngay.
Một vấn đề bất cập khác khi tổ chức SEA Games 31 ở TP.HCM là chi phí sẽ bị độn lên rất nhiều vì sẽ phải xây mới nhiều cơ sở hạ tầng, còn tổ chức Đại hội ở Hà Nội sẽ tận dụng được cơ sở vật chất từ SEA Games 22 và phù hợp với bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như chính Việt Nam vẫn chưa “hạ nhiệt”.
Hơn nữa, kinh nghiệm tổ chức các kỳ Đại hội lớn của TP.HCM dường như chỉ bằng con số “0”. Trong khi đó, Hà Nội đã từng tổ chức thành công SEA Games 22 và nhiều Đại hội thể thao lớn trong nước khác.
SVĐ Mỹ Đình sẽ được tận dụng để tổ chức các sự kiện chính của SEA Games 31 nếu Hà Nội được chọn là địa điểm đăng cai chính. Ảnh: Anh Tuấn
Thời điểm này, đăng cai tổ chức SEA Games 31 đã có quyết định chính thức. Vậy nên, việc tranh cãi, phân tích Hà Nội hay TP.HCM có khả năng tổ chức kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á này không còn quan trọng nữa.
Người dân TP.HCM nói riêng và người dân ở khu vực phía Nam nói riêng không có “duyên” để trực tiếp sống trong bầu không khí SEA Games náo nhiệt.... nhưng không có nghĩa TP.HCM thờ ơ với sự kiện thể thao lớn nhất khu vực này vì đây chính là cơ hội và thách thức mà cả đất nước Việt Nam phải vượt qua.
TỪ MINH (Tin8)