Vết mèo cào chết người trên lưng cháu bé 11 tuổi ở Tuyên Quang - Ảnh: Internet
Bé trai tử vong vì nhiễm bệnh dại do mèo cào tên là H.V.H (11 tuổi, ở Tuyên Quang). Gia đình cháu cho biết trước khi nhập viện 3 tháng, cháu đùa nghịch với con mèo nhà hàng xóm và bị mèo cào vào lưng nhưng không kể lại cho cha mẹ. Sau đó, cháu H thường xuyên mệt mỏi, rùng mình nhiều lần; không ăn/uống gì được và rất sợ gió. Gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Tuyên Quang thì mới “tá hỏa” biết cháu bị nhiễm bệnh dại. Dù được tận tình cứu chữa nhưng cháu không qua khỏi, tử vong sau 1 ngày nhập viện.
Theo Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm thuộc BVĐK tỉnh Tuyên Quang thì dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại (Rabie virus, thuộc họ Rhabdo-viridae) gây nên. Người bị nhiễm virus dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời. Bệnh dại là bệnh chủ yếu xảy ra ở động vật máu nóng như: chó, mèo.
Chó, mèo là vật nuôi phổ biến của nhiều gia đình và cũng là nguy cơ lây truyền bệnh dại rất cao nếu chưa được tiêm phòng - Ảnh minh họa: Internet
Chó, mèo nhiễm bệnh dại thì khi cắn hoặc cào vào người, virus dại trong nước bọt sẽ lây sang cơ thể người ở ngay vết cắn, vết cào. Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh dại do chó, mèo cắn là người nuôi nên tiêm phòng dại cho vật nuôi.
Nếu lỡ bị chó, mèo cắn hoặc cào, điều đầu tiên phải làm là gì?
Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc của nhiều gia đình. Sẽ thật nguy hiểm nếu chúng chưa được tiêm vac-xin phòng bệnh dại. Điều đó có nghĩa là cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ cao bị truyền bệnh từ vật nuôi trong những lúc đùa giỡn, chăm sóc chó, mèo.
Khi bị nhiễm virus bệnh dại, bệnh nhân có những biểu hiện: đau nhức cơ thể, vết thương sưng tấy và lan dọc theo hệ thần kinh dẫn đến cảm giác bồn chồn, thổn thức. Sau đó, bệnh nhân co thắt thực quản, sợ gió, sợ nước, giãn đồng tử và có phản ứng cơ thể hung dữ.
Tiêm vac-xin phòng dại cho chó, mèo là cách an toàn nhất để phòng tránh bệnh dại cho con người - Ảnh: Internet
Ngay sau khi bị chó, mèo cắn, bạn hãy rửa sạch vết thường bằng xà phòng đặc 20% dưới vòi nước chảy mạnh. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể rửa vết thương bằng nước muối rồi sát khuẩn bằng cồn. Nếu vết thương nghiêm trọng, bạn phải đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí.
Đặc biệt, ngay sau khi bị động vật dại cắn, nạn nhân cần đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt. Theo các bác sỹ chuyên khoa dịch tễ thì thời gian “ủ bệnh” dại có thể từ 6 tháng đến 1 năm. Nhưng nếu vết cắn nằm ở mặt, cổ, tay thì bệnh chỉ phát sau 10 ngày.
KHÁNH HÒA (Tin8)