"Vừa đưa được nạn nhân xuống sảnh, mặt mũi lấm lem, các em chiến sỹ ngồi nghỉ lấy sức mấy giây rồi lại đứng lên, lao vào chung cư để tiếp tục đưa người xuống. Không ai quan tâm đến thể lực của chính mình, chỉ muốn cứu càng nhiều người càng tốt. Lúc ấy tôi cũng không hiểu động lực nào khiến cả đội mạnh mẽ đến như vậy, nhưng giờ thì tôi biết, đó là tình thương..." - Đại úy Lê Tấn Châu (Phó trưởng phòng PCCC quận 1) nhớ về những người đồng đội của mình, cách đây 1 tháng - ngày xảy ra vụ cháy Carina 23/3.
Vụ cháy Carina đã trôi qua 1 tháng, nhưng những ký ức trong trận chiến với "giặc lửa" này vẫn ghi dấu sâu đậm trong lòng các chiễn sĩ PCCC TP. HCM.
Câu chuyện của những người chiến sĩ ấy đã tiếp nối Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018, được phát sóng trên VTV1 ngày 22/4 vừa qua.
Vì có một người lính đã hứa
- "Tôi thấy anh chị rồi!"
- "Anh chị cứ yên tâm, tôi đưa mọi người ở tầng trên xuống rồi sẽ đón anh chị...".
Đứng trên xe thang, người lính cứu hỏa trấn an chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (Nữ luật sư sống ở tầng 4 chung cư Carina) khi chị đang đứng ở ban công cầu cứu. Thời điểm đó, căn hộ của vợ chồng chị chưa bị khói đen xâm nhập nhưng chị vẫn đang rất hoảng loạn vì không còn đường nào để xuống đất, không thể chạy theo lối thoát hiểm cũng không thể nhảy khỏi ban công. Từ ban công ấy, chị Mai lần lượt chứng kiến người lính trẻ trên xe thang đưa các nạn nhân tầng cao xuống đất. Mỗi lần thang lên xuống đều ngang qua tầng của chị, và lần nào người lính ấy cũng nói:
- "Chị cứ đợi nhé, tôi hứa sẽ quay lại đón chị".
- "Không sao đâu, lửa đã dập được rồi".
Từ lúc đợi đến lúc chị Mai và chồng được đưa xuống đất cũng mất gần 30 phút. Khi chúng tôi hỏi chị có sốt ruột không, chị cười, bảo thời gian chờ đợi khi ấy như dài cả năm nhưng chẳng hiểu sao chị vẫn yên tâm vì có một người lính đã hứa.
Những cư dân Carina cầu cứu chiến sĩ PCCC từ ban công.
Khung cảnh phía dưới hỗn loạn, chỉ có những ánh đèn pin rọi lên liên tục đến lóa cả mắt, những người lính cứu hỏa cứ chạy đôn chạy đáo dưới sảnh, nhưng chị chỉ ngước nhìn người lính trẻ trên xe thang đang liên tục trấn an chị. "Vì ảnh đã hứa với mình rồi, nên mình không còn cảm giác hoảng loạn và cứ thế tiếp tục ngồi đợi", chị Mai kể lại.
Cho đến khi người lính ấy đưa anh chị xuống đất, lúc này chị mới tin rằng: Mình thật sự đã sống rồi!
Không kịp hỏi tên cũng chưa được nhìn rõ mặt người lính "cứu tinh" thì anh cùng đồng đội đã tiếp tục leo thang lên tầng trên cứu các nạn nhân đang gào thét ngoài ban công, những người đang hoảng loạn và chực chờ nhảy xuống đất.
Có thể nói, chị Mai được cứu phần vì may mắn khi chị quyết ở lại phòng chứ không chạy thang bộ xuống đất, phần vì chị được trấn an kịp thời bởi một người lính mà đến nay chị vẫn không biết là ai. Từ dưới đất và chứng kiến những cánh tay đưa ra ban công kêu cứu, những ánh đèn pin từ điện thoại quơ quàng, chị mới cảm thấy ám ảnh.
"Lúc chồng mình mở cửa phòng dự định chạy thang bộ xuống đất thì khói từ bên ngoài đã làm mình bị ngạt nên mình vội đóng cửa rồi chạy ra ban công. Phải trải qua cái cảm giác ngạt thở đến kinh khủng như thế thì mình mới hiểu được vì sao khi cháy, người ta lại nhảy lầu. Bởi vì trong thời khắc sinh tử đó, người ta chỉ cần thở được thôi, họ nghĩ rằng nhảy ra khỏi vùng khói đen bao kín đấy thì họ sẽ sống, họ sẽ thở được, còn không thì sẽ chết từ từ".
Vào ngành được 2 năm nhưng chiến sĩ Nguyễn Hoàng Hiếu (Tổ cứu nạn cứu hộ Đội chữa cháy chuyên nghiệp thuộc PCCC quận 8) đã trải qua nhiều trận "xông pha" cứu hộ, chữa cháy cùng các đồng đội ở Sài Gòn. Dù vậy, vụ cháy Carina vẫn là vụ hỏa hoạn lớn nhất mà anh từng tham gia với nhiệm vụ trinh sát, cứu người và tham mưu cho Ban chỉ huy dập tắt đám cháy.
Cũng như chị Mai đã nói, lời trấn an của người lính trong lúc hỗn loạn khi ấy có thể cứu được rất nhiều mạng người. Và anh Hiếu cũng là một trong những chiến sĩ đưa cánh tay cho cư dân đặt niềm tin vào mình. Nạn nhân đầu tiên mà Hiếu tiếp cận là một bác gái khoảng 40 tuổi bị ngạt khói, không ngần ngại, anh tháo mặt nạ phòng khói độc và đưa cho bác, dùng khăn nhúng nước để bịt mũi sau đó bế nạn nhân xuống đất, tiếp tục trinh sát trên lầu 2.
"Có tụi con ở đây rồi, cô chú cứ yên tâm, từ từ tụi con đưa mọi người xuống" - Trong lúc các nạn nhân hoang mang nhất thì là lúc Hiếu phải bình tĩnh nhất, anh liên tục nói với mọi người và cả những đứa bé đang sợ hãi gào khóc, "Đâu có gì đâu mà khóc, có mấy chú ở đây mà!".
Tròn 1 tháng sau vụ cháy Carina: Những tiếng gào thét đã thôi ám ảnh các chiến sĩ mỗi đêm
Cho đến giờ, sau đúng 1 tháng xảy ra vụ cháy Carina, những chiến sĩ thuộc Đội PCCC Quận 8 mới có thời gian ngồi ngẫm lại từng khoảnh khắc vào đêm định mệnh đó và chia sẻ với chúng tôi các mẩu chuyện chưa từng được kể trên truyền thông. Dù người già hay trẻ, người có thâm niêm hay những anh lính vừa chập chững bước vào ngành thì với họ, vụ cháy Carina đã để lại nhiều tiếc nuối và cả sự ám ảnh.
Đại úy Châu Thanh Quang (Đội trưởng Đội PCCC Quận 8) ví cảnh tượng mà anh nhìn thấy trong đêm đó như lạc vào một "khu rừng đom đóm". Nhưng khu rừng này chẳng yên bình, mà lại hỗn loạn kinh hoàng: Khói tỏa ra từ tầng trên cùng cho tới tầng trệt, hàng trăm hộ dân cầm đèn pin quơ quàng như ánh sáng lập lòe của đom đóm đứng la hét bên ngoài ban công, những chiếc xe dưới hầm bắt đầu phát nổ...
3 năm vào nghề, thượng sỹ Lê Trường Sơn (Tiểu đội cứu nạn cứu hộ Đội PCCC Quận 8) từng tham gia cứu hộ rất nhiều vụ cháy, nhưng hỏa hoạn ở Carina là vụ cháy thiệt hại về người lớn nhất mà anh khó có thể quên được. "Sau khi đưa được các nạn nhân ở lầu 2 ra, tôi đi thang bộ lên lầu 3 nhưng lúc mở cửa thoát hiểm thì cảm thấy có gì đó chèn ở cửa, tôi cố đẩy ra thì chứng kiến cảnh 4-5 nạn nhân bị nghẹt khói và đã chết. Hình ảnh đó khiến tôi đau đến sững người trong vài giây vì lần đầu tiên mình vào một hiện trường vụ cháy có nhiều người chết như vậy", thượng sĩ Sơn nhớ lại.
Hình ảnh người chết, những tiếng kêu gào từ đám cháy đó đã ám ảnh anh Sơn kể cả trong giấc mơ, dù bây giờ anh đã vượt qua được điều đó. Anh Sơn nói rằng, dù có cứu được cả trăm người nhưng chỉ cần 1 người chết thì cũng để lại tiếc nuối cho anh em trong đội. Anh nói: "Thiệt hại về tài sản không bao giờ bằng thiệt hại về người, khi vụ cháy xảy ra, chỉ cần 1 nạn nhân không thể cứu được, thì tâm trạng anh em sẽ rất tệ".
Còn với Đại ý Lê Tấn Châu (Phó trưởng phòng PCCC quận 1), anh vẫn nhớ mãi hình ảnh đau xót nhất trong vụ cháy Carina cũng như trong suốt 11 năm mặc quân phục lính cứu hỏa của mình. Chậm rãi kể lại câu chuyện lúc đó, anh Châu vẫn luôn tự trách mình vào cái khoảnh khắc chứng kiến một người phụ nữ đang leo thang dây rồi rơi từ tầng 14 xuống đất. "Khi có chiến sĩ báo về việc một người phụ nữ đang hoảng loạn leo thang dây xuống, tôi đã yêu cầu mũi tiến công bên đó phát loa và bật đèn chiếu sáng, ra hiệu cho chị ấy đứng yên hoặc nhảy vào ban công gần nhất. Nhưng lúc ấy chị quá hoảng loạn nên vẫn tiếp tục leo thang và đã rơi xuống đất...".
Dù đã nhanh hết sức có thể nhưng anh Châu vẫn ước, giá như anh biết trước 1 phút để ra lệnh khẩn trương trấn an nạn nhân, thì có lẽ đã cứu được chị ấy. Bởi hạnh phúc của người lính cứu hỏa chính là có thể cứu được người khác vào ngay đúng thời điểm mà họ rất cần mình.
Dù được tuyên dương, dù đã cứu được cả trăm người nhưng khi dập tắt đám cháy và trở về đơn vị, những người chiến sĩ vẫn thất thần và khẳng định mình chưa làm tròn nhiệm vụ, không khí làm việc nặng nề đến tận mấy ngày sau.
Mọi người phải tự an ủi nhau, rằng dù sao chúng ta cũng đã dốc lòng dốc sức, khi hỏa hoạn xảy ra thì chắc chắn sẽ có đau thương, thôi thì từ nay tiếp tục trau dồi kỹ năng để hạn chế những đau thương mất mát đó cho người dân.
Vui buồn nghề lính chữa cháy
Trước khi về cùng một đội PCCC, những chiến sĩ trẻ có rất nhiều ước mơ, có người muốn làm trinh sát điều tra, có người thích ra đường bắt cướp ,và cũng có người từng nhìn hình ảnh người cha của mình chỉ huy và chiến đấu với "giặc lửa" để rồi niềm đam mê thành lính cứu hỏa cũng được nhen nhóm từ bé.
Có thể gọi người lính là những chiến binh mà càng đấu thì càng mạnh,...