Dinh thự đồ sộ 99 cửa
Dinh thự của thương gia Hứa Bổn Hòa nay là Bảo tàng Mỹ thuật thành phố - Ảnh: Internet
Toà nhà được xây dựng vào năm 1929 và hoàn thành sau 5 năm, do kiến sư người Pháp thiết kế. Dinh thự với lối kiến trúc Á - Âu rộng hơn 4.000 m2, theo thiết kế toàn bộ căn nhà có tới 99 cửa bao gồm: cửa sổ và cửa ra vào. Nay toà nhà này là Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM (97, Phó Đức Chính, Q.1), nằm cách chợ Bến Thành khoảng 200m.
Dãy nhà xây kiên cố hình chữ U, cao 3 tầng, mái lợp ngói âm dương, tường dày 40-60cm. Đây là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy làm bằng gỗ, được bài trí, chạm trổ như chiếc kiệu của vua quan - điều hiếm có ở Việt Nam trong giai đoạn này.
Cửa chính đi vào khu vực sảnh có kiến trúc cuốn vòm, trên vòm cửa có 3 ký tự cách điệu H.B.H - tên viết tắt của ông Hòa. Các ô cửa sổ tròn trên toà nhà có hoa văn hình chữ “vạn”.
Nét đặc biệt nhất của dinh thự chính là có tổng cộng 99 cánh cửa lớn nhỏ và mỗi cửa mang một kiến trúc riêng biệt. Theo đó, dinh thự này được thiết kế 100 cánh cửa nhưng khi gia đình ông Hòa trình lên toàn quyền Đông Dương thì bị cắt đi một cánh cửa chính do đụng phong thuỷ với dinh toàn quyền gần đó.
Ngoài dinh thự này, gia đình ông Hòa còn xây khách sạn Majestic, bệnh viện Từ Dũ…
Gia chủ lừng lẫy
Người Sài Gòn còn gọi dinh thự của chú Hỏa là căn nhà 99 cửa - Ảnh: Internet
Chủ nhân của dinh thự này chính là ông Hứa Bổn Hoà (thường được gọi là chú Hoả) - một trong tứ đại gia cuối thế kỷ 19. Mức độ giàu có của chú Hoả được người dân xưng tụng “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.
Theo nhiều giai thoại kể lại, ông Hứa Bổn Hòa (1845-1901) xuất thân từ nghề ve chai nhưng nhờ tài làm kinh tế giỏi nên xây dựng được cơ đồ với khối tài sản khổng lồ.
Về già, tâm nguyện của ông là có một căn nhà chung để đoàn tụ con cháu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Sau này, con cháu chú Hoả quyết xây dinh thự này để tưởng nhớ ông và làm tròn tâm nguyện của ông.
Dinh thự này là một trong hơn 20.000 căn nhà mặt tiền nằm khắp Sài Gòn - Gia Định xưa. Vì vậy, ông được mệnh danh là “trùm” bất động sản đất Nam Kỳ.
Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển viết trong cuốn "Sài Gòn năm xưa": “Hứa Bổn Hòa tuy giàu có nhưng không lấn át người khác, không nâng giá, bắt chẹt người mua, thuê nhà của mình. Gia đình có nhiều con cháu nhưng luôn hòa thuận, cùng làm việc sau đó chia lợi tức nên tài sản không sứt mẻ mà ngày càng đồ sộ. Hơn mười người con của chú Hỏa đều đi du học, nhiều người sau đó định cư ở nước ngoài”.
Lời đồn đoán “Con ma nhà họ Hứa”
Chiếc thang máy bằng gỗ vẫn còn hoạt động trong căn nhà thương gia họ Hứa - Ảnh: Internet
Căn nhà này đến nay vẫn còn nhiều giai thoại kỳ bí, trong đó được đồn đoán nhiều nhất chính là hồn ma của con gái chú Hoả.
Lời đồn cho rằng cô con gái chú Hoả bị mắc bệnh phong, lở loét khắp người khi ở tuổi thanh xuân. Vì là con gái duy nhất nên chú Hoả đã cách ly con trong căn phòng kín để tránh lây lan, vì thời ấy chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này.
Bệnh tình ngày một trở nặng cộng với bị nhốt trong phòng khiến cô gái uất ức rồi chết. Nhiều người cho rằng hồn cô gái cứ vương vấn ở mãi trong căn phòng và đêm đến, bóng trắng cô gái đi qua các dãy hành lang và gào khóc.
Câu chuyện càng khiến nhiều người biết đến khi giai thoại này được viết thành sách, dựng thành phim “Con ma nhà họ Hứa” do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện. Lời đồn thổi rất khó để kiểm chứng. Tuy nhiên, chính sự ra đời của bộ phim này khiến nhiều người tin đó là sự thật cho tới tận ngày nay.
Theo một nhân viên của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, cách đây khoảng 10 năm, con cháu chú Hỏa có về thăm lại dinh thự, họ khẳng định chú Hoả không có con gái nên sẽ không có chuyện hồn ma tồn tại trong căn nhà bề thế nhất Sài Thành này.
THY HOÀI (Tin8)