Nhiều tuyến đường Hà Nội kẹt cứng trong giờ cao điểm
Dự thảo luật cấm xe máy biển số ngoại tỉnh vào nội thành Hà Nội nêu rõ lộ trình hạn chế xe máy ở thủ đô sẽ triển khai trong 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2: Từ năm 2023, dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2 đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).
Giai đoạn 3: Đến năm 2025, cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.
Đề xuất này dấy lên sự lo ngại đối với các chuyên gia và bức xúc của khá nhiều người dân ngoại tỉnh đang sống và làm việc tại thủ đô. Thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng giao thông không đủ khả năng phát triển kịp với thời gian bắt đầu triển khai lộ trình của dự thảo.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng “tương lai” đó là điều Hà Nội cần phấn đấu chứ không phải mệnh lệnh hành chính. Vì thế, Hà Nội không thể nóng vội áp dụng khi cơ sở hạ tầng thay thế xe máy và khả năng đáp ứng sự thay đổi chưa có. Nếu cứ nhắm mắt thực hiện thì sẽ vấp phải khó tránh khỏi tư duy nhiệm kỳ - hứng lên thì làm xong thì bỏ dở giữa chừng.
"Nếu cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội thành thì phải có phương tiện đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng thay thế cho nhu cầu đi lại của dân ngoại tỉnh. Giải quyết được vấn đề này thì tự động người dân sẽ từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng", ông Liên nhấn mạnh.
Ông Liên đồng thời đưa ra nhiều lo ngại khác như nếu cấm, người dân ngoại tỉnh sẽ nảy sinh tâm lý đối phó. Nhờ người quen có hộ khẩu Hà Nội đứng tên mua xe để đi. Như vậy, số lượng xe máy lại tăng lên, đi ngược lại với chủ trương hạn chế xe máy của thành phố. Vì thế, dự thảo này không có tính khả thi.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho biết, để bùng nổ số lượng xe máy như vậy là lỗi của cơ quan chức năng, hay nói cách khác tầm nhìn của cơ quan chức năng chưa theo kịp với sự phát triển, chứ không phải lỗi của người dân.
Việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô không thực tế và không hợp lòng dân. Trong khi đó, giao thông là huyết mạch của kinh tế. Nêu bị “cấm vận” thì sẽ không còn sự phát triển. Người ngoại tỉnh cũng làm việc và cống hiến cho sự phát triển của Hà Nội nên dự thảo đó không công bằng với họ.
Dự thảo đã đưa ra, nếu phù hợp và được nhân dân ủng hộ thì sẽ triển khai. Nếu đã có những phân tích cho rằng không khả thi, người dân không đồng tình thì không có lý do gì để áp dụng.
KHÁNH HÒA (Tin8, ảnh: Internet)