Thời nay, đời sống phát triển, nhiều nhà gắn máy lạnh, máy quạt mát rượi nhưng đám trẻ con vẫn cứ thích đi theo người lớn ra biển ngủ
Những bậc cao niên trong làng biển Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết hầu như những người cao tuổi trong làng đều đã gắn chặt cuộc đời mình với nghề biển. Ông Phạm Văn Đồng (70 tuổi) nói rằng người làng ông gọi biển là bế, ngủ là ngáy. Mỗi buổi chiều mùa hè, người làng thường hay gọi nhau: “Ra bế ngáy ò” (ra biển ngủ nhé).
Theo lời ông Đồng kể thì khi ngủ biển, lúc tỉnh dậy thấy sức khỏe sảng khoái hơn hẳn. Mùa nóng mà không ra biển ngủ là bứt rứt không chịu được. Ông kể thêm, ông bao nhiêu tuổi thì đã có bấy nhiêu mùa hè ngủ biển. Lúc đầu, làng có tổng cộng 12 dòng họ từ miền Bắc vào lập nghiệp. Lâu dần, tất cả lần lượt rời thuyền lên bờ để khai hoang, dựng nhà. Cứ thế, nhóm người đến trước ngủ ở biển để chờ nhóm người lên sau. Ngủ để đợi nhau lâu dần thành lệ. Khi ai nấy đều đã ổn định nhà cửa rồi thì nghi thức ngủ biển vẫn được duy trì. Vừa để giải nóng ngày hè, vừa để tưởng nhớ những người mãi mãi không được cập bờ.
Tục ngủ biển không chỉ được giữ gìn ở làng chài Thủy Bình mà còn có ở khắp các tỉnh ven biển miền Bắc Trung Bộ. Từ mũi đèo Ngang đến Ngư Thủy đều có tục ngủ biển vào mỗi mùa hè nhưng mỗi làng có mỗi cách ngủ khác nhau, tùy vào tập quán văn hóa của người dân làng đó.
Ở vùng biển Ngư Thủy, cụ ông Trương Hoàng kể: “Người dân làng tui ngủ biển để vừa hưởng được gió biển, vừa để chờ cá vào. Khi bình minh ló dạng cũng là lúc dân làng thức giấc bên mép biển để phụ làm lưới, giặt lưới, gánh cá… Cái lệ này trà trở thành một phần của làng Ngư Thủy, ai cũng thích tham gia chứ không hề gò bó, ép buộc ai cả".
Những giấc ngủ bình yên trên bờ biển
Bây giờ, người dân có điều kiện sống tốt hơn. Máy quạt, máy lạnh đủ cả nhưng nhiều đứa trẻ cứ thích ra biển ngủ với ông bà, cha mẹ của chúng. Ông Hoàng nói lũ trẻ bây giờ được cho ăn học đầy đủ, hiểu biết nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật nhưng kiến thức về đời sống còn kém lắm. Mỗi buổi tối đi ngủ biển, chúng được bậc cha chú chỉ dạy cho cách đọc tên các chòm sao; cách nhìn con nước để phân biệt hôm nào cá nhiều, hôm nào cá ít; cách sinh tồn trên biển nếu chẳng may có tai nạn… Đứa nào cũng háo hức lắng nghe.
Còn ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh), cụ Hoàng Nhỏ cho hay: “Thời trước, đàn ông ra biển hết, còn đàn bà thì dắt con nít ra biển ngủ trên cát ngóng đợi người đàn ông trụ cột trong nhà về. Hôm sau cá về là gánh cá vượt cát đi bán luôn, nhà cửa làm bằng cỏ rười, không có trộm cắp nên yên tâm ra biển ngủ mà đợi chồng con, đợi người yêu trai tráng cho hy vọng gặp gỡ hôm sau được đoàn viên với thuyền cá đầy ắp. Có những cơn giông tố bất ngờ làm cho người này mất, người kia không về thì ngủ biển để chia sẻ, để hưởng vong thờ tự với mảnh đời xấu số”.
Từ ngủ biển kéo theo những hội cưới phiên đậm tình
Một hoạt động văn hóa ý nghĩa phát sinh từ tục ngủ biển là cưới phiên. Khi thanh niên, trai tráng trong làng bận việc biển cả, không có thời gian đi tìm kiếm người yêu thì những đêm ngủ biển thế này là cơ hội để họ tìm thấy tình yêu của đời mình. Đến mùa hè thì cứ tìm hiểu, sau đó hẹn ngày cưới. Cả một làng chài, nhiều cặp có lịch hẹn cưới trùng nhau nên ngư dân phải chia phiên tổ chức để bạn thuyền được tham dự đầy đủ. Từ đó, cưới phiên ra đời để đảm bảo ai cũng có đầy đủ cá tôm mừng ngày hạnh phúc.
Sau một đêm ngủ biển, bình minh ló dạng cũng là lúc phụ nữ và trẻ em muốn nhìn thấy gương mặt thân quen của người đàn ông trụ cột trong nhà
Thời gian gần đây, câu chuyện rôm rả nhất của người dân làng chài trong mỗi đêm ngủ biển là khi nào chính thức có tin nguyên nhân những con cá đậm nghĩa tình với người dân làng biển qua đời? Người lớn là vậy, nhưng bọn con nít thì vẫn vô tư vui đùa trên cát rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Bên cạnh chúng là bà, là mẹ, là người thân và tiếng sóng biển ầm ào….
KHÁNH HÒA (Tin8, ảnh: Internet)