Một lần, người viết gặp ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Hoà Bình – ở một dự án lớn do Hoà Bình làm tổng thầu tại Đà Nẵng. Ông đi rất nhanh, với dáng vẻ gần như lao người về phía trước và chỉ kịp nói với: “Chào các bạn”, khi có người trong đoàn nhận ra và cất tiếng hỏi.
Dáng vẻ tất tả của ông hoàn toàn trái ngược với ngữ điệu chậm rãi của giọng nói. Khi nói, ông luôn nhả từng chữ rất chậm rãi, rõ ràng. Nếu không để ý, rất khó để người nghe biết lúc nào ông đã nói xong.
- Năm 2017, Hoà Bình gặp nhiều vấn đề với các thông tin trên thị trường, từ việc bị Khải Silk xù nợ đến liên quan dự án của Vũ “nhôm”?
Tin đồn có là do người ta thấy với tốc độ phát triển như thế thì chắc chắn trong thời gian ngắn chúng tôi có thể vượt quá doanh nghiệp số một. Họ thấy triển vọng nên dìm giá cổ phiếu để mua vào. Không phải tự nhiên mà mua thế, chỉ có thể giải thích là đối thủ cạnh tranh và phá hoại.
Trên thị trường cũng nêu ra những con số trong báo cáo tài chính có thể nói là ngưỡng hơi rủi ro (vay nợ gấp hơn 2 lần vốn – pv). Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những con số đó thì không thấy được mặt tích cực của chúng tôi.
Nếu nhìn tích cực sẽ thấy chúng tôi được ngân hàng tín nhiệm, cho vay với mức cao nhất, gấp hơn 2 lần so với vốn; thấy là chúng tôi biết dùng đòn bẩy tài chính để kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn cao nhất thị trường, xuất khẩu lao động ra nước ngoài… Không có doanh nghiệp nào làm được như vậy.

- Thực tế cổ phiếu của doanh nghiệp cũng giảm giá khoảng 30% trong 2 tháng?
Thời gian này, tôi lo lắng nhất là có nhiều cổ đông bị thiệt hại do tin đồn. Công ty cũng chịu thiệt là phải phát hành cổ phiếu trong thời điểm giá không phản ánh đúng giá trị thực.
Tuy nhiên, tất cả đều có giải pháp. Việc tăng vốn chưa phải quá cấp bách dù công ty tăng tưởng đến 3-4 lần mà không có tăng vốn là cả một thử thách.
May mắn là các tích lũy trong lợi nhuận những năm trước của Hòa Bình cũng khá cao. Hy vọng lần này cổ đông chấp nhận việc giữ lợi nhuận lại cho phát triển công ty trong trường hợp chưa phát hành được cổ phiếu. Các năm trước, chúng tôi vẫn chia cổ tức.
Thực ra, để làm cho cổ đông yên tâm với những tin đồn không phải nói mình tốt là đủ mà phải chứng minh được điều đó. Giá cổ phiếu bây giờ không phù hợp nếu không nói là rất thấp so với giá trị thật, công ty sẽ mua vào.
Tuy nhiên, sau khi nộp đơn xin mua cổ phiếu quỹ, chúng tôi được Ủy ban Chứng khoán báo không phù hợp quy định vì mới phát hành cổ phiếu ESOP trước đó. Công ty đã cố gắng thuyết phục nhưng không được. Sau đó tôi đã phải quyết định mua vào cổ phiếu doanh nghiệp. Không có tiền để mua nhưng tôi cũng phải xoay sở, huy động tiền cá nhân để mua vào cổ phiếu quỹ.
- Hơn 30 năm kinh doanh hẳn là luôn có những khó khăn như thế. Vậy ông đã vượt qua như thế nào vì theo những gì ông chia sẻ thì mọi thứ có vẻ như “dễ và nhẹ nhàng”?
Có những lúc nhìn lại thì đúng là rất khó khăn và có những rủi ro khi mình đưa ra quyết định song khi có lựa chọn thì phải chấp nhận nó.
Tôi từng gặp phải nhiều khó khăn, nhà không có, tài sản không có gì nhưng đó là chuyện nhỏ thôi vì tôi tay trắng làm nên sự nghiệp thì dù có về trắng tay mình vẫn sống được. Nhu cầu của tôi cũng không có gì ghê gớm.
Tuy nhiên, phải nói là trong giai đoạn khó khăn mình đã có phần may mắn để vượt lên được. Mỗi quyết định đưa ra thì đều không dễ nhưng vẫn có cơ sở để tin là quyết định đúng do đã phân tích nhiều góc cạnh.
- Bây giờ, nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp cũng nói về những khó khăn. Là người đi trước, ông khuyên họ những gì?
Tôi nghĩ là mỗi thời kỳ có một cái khó trong khởi nghiệp. Thế nhưng trong bất kỳ thời kỳ, lĩnh vực kinh doanh nào, muốn thành công cũng phải nỗ lực. Mọi người đều có niềm khao khát thành công nhưng người ta nỗ lực 10 mình phải 15-20 thì mới vượt qua được.
Nỗ lực vượt bậc có ý nghĩa chỉ khi nào mình yêu thích, đam mê công việc đó. Nếu không hứng thú, đam mê thì không thể làm được.

Khi khởi nghiệp, có đam mê, thì phải luôn suy nghĩ việc mình làm sẽ đem cái gì cho xã hội, cộng đồng. Khi xác định mình làm được, thì phải làm hết sức mới có khả năng thành công.

Thứ hai là trong điều kiện kinh tế có trình độ cao hiện nay, muốn làm cái gì đấy khác biệt thì phải rất chuyên sâu mới có chỗ đứng. Ham làm nhiều thứ thì mình sẽ không giỏi được. Phải lo tìm cho được sự khác biệt cho doanh nghiệp mình chứ không phải theo kiểu bỗng dưng lập ra một doanh nghiệp mà chưa có định hướng hay xác định được sản phẩm dịch vụ nào có thể phát triển được.
- Ông từng chia sẻ khá nhiều về chuyện khởi nghiệp của mình. Chỉ có vài dòng ngắn gọn như thế này: Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc rồi làm việc tại công ty quản lý nhà, lập văn phòng sau đó thì xây khách sạn đầu tiên Riverside… Nhưng mọi chuyện có đơn giản như thế?
Ban đầu, khi lập ra văn phòng xây dựng Hòa Bình tôi, cũng đã nghĩ là mình có thể làm thay đổi được cái gì đó.
Ngành công nghiệp xây dựng ở thời điểm đó cực kỳ lạc hậu. Internet cũng chưa có nhưng tôi nghe được thông tin thế giới đã được công trình này kia, làm cách này cách kia. Trong khi đó, Việt Nam vẫn làm rất lạc hậu. Mình muốn học cách làm và đưa những cái kiến thức, kỹ năng, phương pháp đó vào Việt Nam.
Tôi có định hướng ngay tư đầu là phải thay đổi chứ không làm theo cách cũ Và khi lập công ty, ngay cả chọn tên, tôi cũng chọn cái tên có ý nghĩa, có giá trị đối với mọi người trên thế giới, không phải riêng Việt Nam.
Đó cũng là một cái hoài bão lâu dài, kiên trì trong rất nhiều năm và thế hệ mình chưa làm được thì thế hệ kế tục sẽ làm. Tôi rất mừng khi đến giai đoạn mình nghỉ ngơi thì đã thấy được nó thành công. Khi có hoài bão, mục tiêu rõ ràng và kiên trì kiện định với mục tiêu đó và mình sẽ nhẹ nhàng thoải mái với thử thách.

- Ông có nhớ mình đã xây bao nhiêu công trình?
Từ khi xây khách sạn đầu tiên ở TP.HCM vào năm 1990 đến nay có khoảng hơn 300 công trình. Tôi cũng không thể nhớ từng cái nữa rồi nhưng nhớ những công trình quy mô, công trình gặp sự cố, công trình có sáng kiến, công trình thua lỗ… (cười).
Để mà nói có nhiều kỷ niệm nhất chắc là công trình đầu tiên – khách sạn Riverside ở TP.HCM. Khi đó, doanh nghiệp của tôi mới 3-4 tuổi mà nhận làm tổng thầu thiết kế thi công. Đưa ra thiết kế đã là một vấn đề rồi vì công trình là toà nhà văn phòng thời Pháp. Phương án thi công là làm thế nào vẫn giữ được dáng dấp cổ, thời gian thi công văn phòng vẫn làm việc được và trong đó có một khách sạn đang hoạt động.
Thời kỳ đó, công nghệ xây dựng rất hạn chế, chưa kể việc xin giấy phép xây dựng cũng là vấn đề. Nhưng từ công trình đó, chúng tôi mới có cơ hội...