Theo số liệu từ máy quan trắc của đại sứ quán Mỹ được đo tự động trên tòa nhà số 7, Láng Hạ- Hà Nội thì chỉ số ô nhiễm của thủ đô Hà Nội là 285. Những chỉ số này thay đổi theo giờ. Đến cuối buổi chiều 5-10 thì chỉ số không khí ở Hà Nội đã giảm xuống còn ở mức trên 100. Tuy nhiên, với mức độ này cũng được khuyến cáo là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.
Điều đáng chú ý là đây không phải lần đầu tiên trạm quan trắc của đại sứ quán Mỹ đo được chỉ số ô nhiễm của Hà Nội ở mức cao như vậy. Trước đó, vào đầu tháng 3-2016, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng đã đưa ra chỉ số không khí là 388. Điều này chứng tỏ vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức độ cực kỳ nguy hiểm và cần báo động.
Vậy nguyên nhân do đâu? Theo các nghiên cứu, 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí Hà Nội là từ khí thải xe cộ.
PGS.TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Trong các khí thải ra từ ống xả động cơ xe máy có khí CO. Đây là khí độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tuy nhiên do triệu chứng ban đầu không rõ ràng nên chúng ta không thể biết ngay được. Chắc chắn khi hít phải những loại khí này lâu dần tích tụ sẽ gây nên những căn bệnh mạn tính."
Đặc biệt, một nguyên nhân nữa khiến tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội ở mức cao chính là do khói rơm rạ gây ra. Đây chính là mùa cao điểm đốt rơm rạ tại một số tỉnh ngoại thành Hà Nội.
Thói quen của người nông dân sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu là sẽ tiến hành thu gom rơm rạ và đốt thành từng đống. Khói rơm rạ theo đó gió bay đi khắp nơi và lâu tan trong bầu không khí.
Ngột ngạt nhất chính là thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Khói rơm rạ nhiều khiến cho mọi người lầm tưởng đó là sương mù. Tình trạng này diễn ra tại hầu hết trên các tuyến đường giao thông khu dân cư ven đô như Đan Phượng, Đông Anh, Nhật Tân, Nam Thăng Long.
Theo các nhà khoa học, trong khói rơm rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng của than, khiến cho người hít thở cảm thấy khó thở, tức ngực, cay mắt, ho, hắt hơi và buồn nôn. Đặc biệt, rơm rạ khi cháy không thành ngọn lửa nên chứa nhiều khí CO - loại khí độc có thể gây chết người nếu hít nhiều. Lâu dài có thể gây ra những tổn thương khó nhận thấy vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp của con người.
PGS Phạm Thúy Loan, Phó GĐ Viện Kiến trúc Việt Nam, cho biết: "Nếu bạn đến Hà Nội vào ban ngày nên đeo khẩu trang và hạn chế tối đa sự tiếp xúc của khuôn mặt và cơ thể với môi trường”.
DZUNG LÊ (Tin8, ảnh: Internet)