VKSND Tối cao vào cuối tháng 3 đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình (cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước), Lê Văn Thanh (cựu chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, tổ trưởng giám sát Ngân hàng Xây dựng), Hà Tấn Phước (cựu phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, tổ trưởng giám sát ngân hàng Đại Tín/Xây dựng), Phạm Thế Tuân (cựu phó giám đốc Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh TP HCM, tổ phó giám sát Ngân hàng Xây dựng), Ngô Văn Thanh (cựu phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An, tổ viên tổ giám sát Ngân hàng Đại Tín/Xây dựng).
5 bị can được tại ngoại, cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 2 điều 285 Bộ luật Hình sự 1999), với khung hình phạt từ 3 đến 12 năm.
Đại Tín kinh doanh bết bát
Theo cáo trạng, Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) tiền thân là Ngân hàng thương mại cổ phần Nông thôn Rạch Kiến. Đầu năm 2012, Trustbank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, nhóm cổ đông Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn là đại diện) sở hữu hơn 80% cổ phần.
Năm 2012, khi thanh tra Đại Tín, Ngân hàng Nhà nước kết luận thực trạng tài chính rất xấu. Trong đó, vốn chủ sở hữu âm tới gần 3.000 tỷ đồng, lỗ hơn 6.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu Trustbank theo hướng cho phép nhóm cổ đông cũ là Phú Mỹ chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (đại diện là ông Phạm Công Danh). Việc này được Thủ tướng đồng ý.
Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi Thủ tướng đồng ý, từ ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và Thiên Thanh đã ký thỏa thuận chuyển nhượng hơn 84% cổ phần Đại Tín cùng các tài sản có liên quan.
Từ thời điểm này, ông Danh đã đưa người vào tiếp quản, điều hành và tiến hành phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Đầu năm 2013, khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nhân sự, ông Danh tổ chức Đại hội cổ đông bất thường và chính thức đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín. Sau đó không lâu, Đại Tín đổi tên thành Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Từ khi nhóm cổ đông mới là ông Danh quản trị, điều hành VNCB, hoạt động của ngân hàng này không hiệu quả. Nếu giữa năm 2012 vốn chủ sở hữu của Đại Tín âm gần 3.000 tỷ đồng, lỗ 6.000 tỷ đồng thì đến cuối năm này, ngân hàng lỗ thêm gần 3.000 tỷ, vốn âm thêm hơn 2.000 tỷ. Đến cuối năm 2013, Đại Tín bị lỗi tới hơn 11.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 8.000 tỷ đồng. Tại thời điểm khởi tố vụ án (giữa năm 2014), vốn chủ sở hữu âm tới hơn 18.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả tới hơn 38.000 tỷ đồng, tổng tài sản là gần 17.000 tỷ đồng.
Từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có Đại Tín và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc củng cố, cơ cấu lại Đại Tín, ông Đặng Thanh Bình (khi đó là Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước) ký quyết định về việc thành lập và hoạt động tổ giám sát tổ chức và hoạt động của Đại Tín.
Ông Đặng Thanh Bình bị cáo buộc làm trái nhiều bị chỉ đạo
Cơ quan tố tụng cho biết, từ tháng 2/2012, ông Đặng Thanh Bình (được bổ nhiệm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ năm 2005) được phân công phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Vụ pháp...