Người đàn ông Triều Tiên ngồi trong căn phòng trống với chiếc tivi tắt tiếng, liên tục rít những điếu thuốc rẻ tiền “chính hãng” của quê hương. Bàn tay ông thô ráp sau hàng chục năm lao động vất vả. Dây lưng siết chặt để chiếc quần không tụt khỏi cơ thể gầy còm.
Nhìn ra đằng xa là những dãy núi nơi ông đã dành gần 50 năm chuyên đi lại trên các cung đường bí mật vượt biên sang Trung Quốc, rồi lại trở về. Sở dĩ phải lén lút vì ông là tay buôn lậu. Ông buôn đủ thứ cho đồng bào ở Triều Tiên, từ tivi đến quần áo. Trong khi đó, những chuyến hàng sang Trung Quốc gồm nấm, nhân sâm và thỉnh thoảng là vàng. Có lần ông kiếm được hơn 1.500 USD sau một chuyến đi.
“Tôi có thể chở được tới 10 tivi hoặc tủ lạnh trong một lần đấy. Hồi xưa tôi còn mang được nhiều đồ hơn”, ông nói một cách đầy tự hào.

Người dân mua hàng gần sân vận động Kim Il Sung tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.
Nhưng thời thế đã thay đổi, Triều Tiên cũng thay đổi, thầm lặng nhưng mạnh mẽ. Sự bứt phá của nhà lãnh đạo Kim Jong Un dẫn đến hàng loạt cấm vận quốc tế áp đặt lên Triều Tiên khiến công việc những người buôn lậu nhỏ lẻ trở nên khó khăn hơn.
“Những nhóm thương buôn nhỏ này đang gánh chịu hệ quả từ cấm vận. Họ sẽ phải kín tiếng trong một thời gian. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội cho những công ty lớn với khách hàng Triều Tiên”, John Park, giám đốc một chương trình về Triều Tiên tại Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard, nói.
Tại Triều Tiên, buôn lậu về lý thuyết là hành vi phạm pháp. Hơn hai thập kỷ qua, những tay buôn lậu đã bí mật đưa hàng hoá từ đất nước bị cô lập ra thế giới, và đưa thực phẩm về ngược trở lại giữa những nạn đói. Sau này, một thị trường người tiêu dùng riêng rẽ được hình thành thì mặt hàng được mở rộng hơn, từ linh kiện ôtô Trung Quốc cho đến băng đĩa các chương trình truyền hình Hàn Quốc.
Đôi khi, “mặt hàng” được đưa ra khỏi đất nước còn là những gia đình muốn đào tẩu khỏi Triều Tiên.
Buôn lậu bỗng trở thành nghề có giá, giúp hàng nghìn người nghèo ở Triều Tiên vươn lên tầng lớp trung lưu.

Tỉnh Pyongan (Triều Tiên) giáp Liêu Ninh (Trung Quốc) đang vào mùa thu hoạch lúa. Ảnh: Hải An.
“Khi tôi còn trẻ, ai cũng muốn mình sẽ trở thành người lính, bác sĩ hoặc giáo viên. Nhưng rồi sau đó mọi đứa trẻ đều muốn đi buôn lậu”, một phụ nữ Triều Tiên gần 50 tuổi, hiện sống ở ngoại ô Seoul, nói.
Phần lớn người dân Triều Tiên phải chấp nhận những công việc mà nhà nước giao. Trong số này, một tài xế xe tải cho biết mức lương chính thức của anh là 1.000 won Triều Tiên/tháng, chưa tới 1 USD. “Với số tiền này, anh có thể ăn hết sạch trong một lần”, anh này kể.
Do vậy, anh đã tận dụng công việc và phương tiện để “làm thêm”, chở hàng cho những thương lái trong các khu chợ đen. “Tôi đi khắp nơi. Một số thứ chỉ bán được 10 won ở đây, nhưng có thể bán tới 20 won ở nơi khác”, anh kể.
Sau này, anh dần dần tìm cách vượt biên sang Trung Quốc để mua tivi, tủ lạnh, radio, quần áo… rồi chuyển về để bán ở Triều Tiên.
Khi mà tất cả đều nhận hối lộ để làm ngơ, người buôn lậu này tin rằng công việc của anh là “được cho phép”. “Tôi trả tiền cho họ rồi họ để tôi đưa hàng vào”, anh nói.
“Nhìn từ bên ngoài thì đây là việc làm phạm pháp, nhưng với những người bên trong thì đây là cách mà thị trường ở khu vực biên giới hoạt động”, giáo sư Park nói.

Cây cầu Hữu Nghị Trung – Triều hay còn gọi là Áp Lục Giang Đại Kiều hiện là con đường duy nhất để vào Triều Tiên từ Đan Đông. Cầu được xây dựng năm 1943 ngay bên cạnh chiếc cầu gãy do Mỹ đánh sập trong cuộc chiến tranh liên Triều năm 1951. Cầu chỉ dành cho xe lửa và ôtô, cấm xe máy và người đi bộ. Ảnh: Hải An.
Tuy nhiên, trong những cuộc...