Ngày 25/3, người dân chung cư Carina Plaza vẫn vạ vật tại sảnh toà nhà đối diện, chưa thể về nhà sau vụ hoả hoạn làm 13 người chết và hàng chục người bị thương. Cuộc sống của họ bị đảo lộn, nhiều gia đình có xe để dưới tầng hầm dù không bị cháy vẫn chưa thể lấy để đi lại. Họ mong muốn sớm được giải quyết bồi thường thiệt hại, ổn định cuộc sống.
Chủ đầu tư, Ban quản trị chung cư có trách nhiệm đầu tiên
Theo luật sư Ngô Quí Linh (Giám đốc Công ty luật Luật sư Linh), các cơ quan chức năng cần nhanh chóng khởi tố vụ án để điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy do lỗi khách quan hay chủ quan.
Nếu nguyên nhân gây cháy là hành vi vi phạm pháp luật thì phải xác định được ai là người có lỗi. Người này sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại.
"Tuy nhiên, dù nguyên nhân cháy là lỗi chủ quan hay khách quan thì người dân bị thiệt hại đều có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cả về người và tài sản", ông Linh nói.
Bởi theo quy định, trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ đối với nhà chung cư là bắt buộc đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Trong vụ hoả hoạn này, chủ đầu tư hoặc Ban quản trị là đầu mối đứng ra mua bảo hiểm cháy nổ cho cư dân. Do đó khi xảy ra hỏa hoạn, trách nhiệm bồi thường đầu tiên cho cư dân là chủ đầu tư và Ban quản trị. Sau đó, hai đơn vị này sẽ yêu cầu công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường lại cho mình.
 |
Hoả hoạn nghiêm trọng nhất trong hơn chục năm tại TP HCM khiến 13 người chết, 13 ôtô và 150 xe máy cháy rụi. Ảnh: Quỳnh Trần. |
"Công ty bảo hiểm là bên chi trả thiệt hại mà không cần chứng minh lỗi. Sau đó, công ty bảo hiểm sẽ phải tìm ra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng xác định người có lỗi để yêu cầu người đó bồi thường lại số tiền mà công ty đã chi trả", luật sư Linh nêu quan điểm.
Ở vụ hoả hoạn đặc biệt nghiêm trọng này, ông Linh cho rằng, trước mắt chủ đầu tư và Ban quản trị nên tích cực liên hệ với bên bảo hiểm tiến hành xác định mức độ thiệt hại và chi trả càng sớm càng tốt trong phạm vi bảo hiểm, để phần nào khắc phục khó khăn cho các cư dân.
Các tài sản là hậu quả trực tiếp từ vụ cháy gồm tài sản bị mất, bị tiêu hủy hay hư hỏng một phần. Trong trường hợp này là các trang thiết bị nội thất, các vật dụng cá nhân, tiền, trang sức, thiệt hại về xe các loại, chi phí sửa chữa lại căn hộ… của cư dân đều có quyền được yêu cầu đòi bồi thường.
"Ngoài ra cư dân còn có quyền đòi bồi thường về sức khỏe, tinh thần, trách nhiệm cấp dưỡng nếu có thiệt hại về người, chi phí mai táng…", ông Linh cho biết thêm.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, Nghị định 130/2006 của Chính phủ quy định về chế độ bảo hiểm cháy nổ là trách nhiệm bắt buộc đối với nhà chung cư. Mỗi chung cư đều có Ban quản trị, do đó ban này sẽ đứng ra mua bảo hiểm cho các hộ dân và người dân có nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm cho ban.
Khi xảy ra hỏa hoạn người dân sẽ được bảo hiểm chi trả trừ một số trường hợp loại trừ trách nhiệm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm các bên ký kết như do tác nhân con người gây ra.
 |
Bên trong chung cư Carina sau hoả hoạn. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Cư dân được bồi thường thế nào
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, trường hợp cư dân đã đóng tiền mua bảo hiểm nhưng Ban quản trị không mua hoặc chưa mua thì họ có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các chủ hộ. Đối với những cá nhân, chủ hộ trong chung cư mà không mua bảo hiểm thì sẽ không được bồi thường.
"Đây là bảo hiểm bắt buộc, do đó trách nhiệm bảo hiểm không chỉ được áp dụng với tài sản là căn hộ mà cả thiệt hại về người và các tài sản khác tại chung cư", luật sư Trạch nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thông tư 214/2013 của Bộ Tài chính quy định về mức phí tham gia bảo hiểm cháy nổ đối với mỗi căn hộ là khác nhau, dựa theo tỷ lệ diện tích. Do đó, việc chi trả bảo hiểm sẽ được thực hiện theo tỷ lệ mức phí mà người dân tham gia bảo hiểm đã đóng. Đối với các tài sản gắn liền với căn hộ thì mức chi trả cũng sẽ được tính theo tỷ lệ này.
Trong khi đó luật sư Ngô Quí Linh bày tỏ e ngại, việc mua bảo hiểm cháy nổ là rất quan trọng nhưng nhiều người dân chưa nhận ra. Trên thực tế...