Công an cũng "bó tay" với 5 kiểu lừa đảo công nghệ cao này

Ngày đăng: 16/12/2015
13,117 Read
1,953 Share
Tin8 - Từ tháng 11-2014 đến nay, cả nước có tổng cộng 11 vụ lừa đảo thông qua Facebook với tổng số tiền bị lừa là khoảng 5 tỉ đồng (chưa kể những vụ nạn nhân không trình báo), song lực lượng chức năng chưa giải quyết triệt để được vụ nào.

tội phạm công nghệ cao

Số lượng tội phạm liên quan đến công nghệ cao đang ngày càng tăng - Ảnh: Internet

Tội phạm có nhiều kiến thức về công nghệ, lòng tham và sự nhẹ dạ của nạn nhân là những nguyên nhân phổ biến khiến số lượng những vụ lừa đảo công nghệ cao ngày càng tăng.

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC45), Công an TP.Hà Nội thì Việt Nam đang tồn tại các dạng lừa đảo công nghệ thường gặp là giả làm nhân viên viễn thông thông báo mức cước vô lý, kích động nạn nhân; giả Facebook bán hàng trực tuyến; gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng xe máy hoặc tiền mặt; hack tài khoản Facebook rồi mượn tiền hoặc nhờ người quen của nạn nhân nạp tiền điện thoại và cuối cùng là lân la làm quen với nạn nhân trên Facebook rồi gởi quà.

1. Làm quen trên facebook rồi "gởi quà" cho nạn nhân

Mới đây, PC45 vừa tiếp nhận báo án của chị Nguyễn Thị T (42 tuổi, ở Hà Nội) về vụ việc chị bị lừa gần cả trăm triệu đồng qua Facebook. Theo trình báo của chị T, tài khoản Facebook cá nhân của chị nhận được lời mời kết bạn của người đàn ông tên Evan David. Người này tự giới thiệu mình là người Anh gốc Đức.

Chị nhận lời mời và hai người thường xuyên trao đổi, tâm sự với nhau bằng tiếng Anh. Đối tượng biết chị T độc thân và có mẹ đang bị bệnh nên ngỏ ý tặng chị T một số món quà giá trị cùng 7.000 USD tiền mặt. 

Ngày 3-12, Evan nhắn tin cho chị T thông báo “quà sẽ tới Việt Nam trong ngày hôm nay”. Chiều cùng ngày, chị T lại nhận được cuộc gọi của một phụ nữ tự xưng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Người này báo chị T có bưu phẩm gửi từ nước ngoài, yêu cầu chị T nộp 750 USD (khoảng 17 triệu đồng) lệ phí bảo quản bưu phẩm vào tài khoản ngân hàng do “nhân viên sân bay” chỉ định và chị sẽ nhận được hàng sau 3 giờ nữa.

Chị T làm theo nhưng sau đó lại tiếp tục nhận được cuộc gọi của người phụ nữ kia thông báo hải quan phát hiện bưu phẩm của chị có 7.000 USD tiền mặt, muốn nhận được số tiền này phải có hóa đơn chứng tỏ không có hành vi rửa tiền hoặc chị T phải nộp 2.500 USD (khoảng 57 triệu đồng).

bị lừa tiền qua facebook

Chị T trình báo vụ việc với cơ quan chức năng - Ảnh: Internet

Vì tin lời Evan và nữ "nhân viên sân bay" nên chị T lần lượt đi nộp tiền theo lời hướng dẫn. Sau khi làm hết mọi "thủ tục", chị T đợi mãi không thấy quà đến tay mình mới phát hiện ra là mình bị lừa.

2. Giả làm nhân viên viễn thông thông báo mức cước vô lý, kích động nạn nhân

Thời gian gần đây, người dân ở TP.HCM và Hà Nội cũng khá hoang mang trước tình trạng các đối tượng đóng giả nhân viên nhà nước để thông báo vi phạm rồi hướng dẫn nộp phạt. Cụ thể, đối tượng thường giả danh nhân viên bưu điện thông báo tiền cước “khủng” rồi hướng dẫn nạn nhân liên hệ tới cơ quan chức năng (nạn nhân được cho số điện thoại) để xác minh danh tính.

Khi nạn nhân gọi đến số điện thoại được chỉ định thì đầu dây bên kia tự xưng là công an, cán bộ điều tra tội phạm quốc tế…rồi “giúp” nạn nhân làm các bước chuyển tiền để thoát khỏi rắc rối. Nạn nhân sẽ nhận lại đúng số tiền đã chuyển sau khi “cơ quan” đã xác minh rõ vụ việc. Tội phạm hoạt động tinh vi theo đường dây, có sự phân công nhau rõ ràng và thường nhắm vào các bà nội trợ hoặc phụ nữ đang tuổi nghỉ hưu…

3. Hack tài khoản facebook của nạn nhân rồi dùng chính tài khoản đó đi mượn tiền người thân

Đây là "tai nạn" rất phổ biến với các thành viên đang sử dụng facebook. Bằng kỹ xảo của mình, những tên tội phạm này lấy cắp mật khẩu tài khoản của người bị hại. Sau đó, giả làm người này để vay tiền người thân, bạn bè có trong danh sách kết bạn của nạn nhân.

Dù tình trạng này đã xảy ra thường xuyên nhưng vẫn còn có rất nhiều người bị lừa do sự thơ ơ, mất cảnh giác khi sử dụng công nghệ trong cuộc sống thường ngày của mình.

4. Giả facebook bán hàng trực tuyến

Kẻ lừa đảo lập ra một (hoặc vài) tài khoản facebook và đăng hình ảnh một số mặt hàng tiêu dùng lên đó để rao bán. Khi có người hỏi mua, "chủ shop" yêu cầu người mua chuyển tiền trước vào tài khoản để đặt cọc hoặc xác nhận rồi hàng sẽ "ship" tới địa chỉ người mua yêu cầu sau khi chủ shop nhận được tiền. Tuy nhiên, có rất nhiều người cay đắng "ngậm cú lừa" khi tiền đã chuyển đi nhưng hàng không tới.

Chị Minh Thư (nhân viên văn phòng ở quận 3, TP.HCM) dặn lòng sẽ không bao giờ mua hàng trên mạng nữa. Nguyên nhân là chị đã mất 1 triệu đồng cho đơn hàng 3 cái áo đầm đặt mua online ở facebook "Your Dress". Kẻ lừa đảo cam kết với chị rất nhiều điều nhưng sau khi chị chuyển tiền, tên này lặn không thấy tăm hơi. Thậm chí, chị không tài nào tìm được địa chỉ facebook chị đã đặt hàng.

5. Gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng xe máy hoặc tiền mặt

Tương tự như kiểu lừa đảo số 1, nạn nhân sẽ nhận được một tin nhắn thông báo trúng thưởng xe máy, tiền mặt hoặc một vật phẩm có giá trị nào đó. Nếu muốn sở hữu mớn quà này, nạn nhân phải gọi vào số tổng đài (đã hướng dẫn trong tin nhắn) để xác nhận. Sau khi gọi đến số đó, tài khoản trong điện thoại của nạn nhân sẽ bị trừ sạch bất kể tài khoản đó đang còn bao nhiêu tiền.

Công an khó xử lý, nạn nhân tiền mất tật mang

Ở những đường dây lừa đảo bị phát hiện, công an chỉ bắt được kẻ trung gian, còn đối tượng cầm đầu thường thoát án do “giấu mặt” hoặc điều hành đường dây từ nước ngoài. Bên cạnh đó, do ý thức cảnh giác của người dân rất kém cộng với lòng tham nên các nạn nhân rất dễ bị kẻ lừa đảo cho “vào tròng”.

lừa đảo công nghệ cao

Người dân cần hết sức cảnh giác với những yêu cầu nộp tiền vào tài khoản lạ - Ảnh minh họa: Internet

Một nguyên nhân khác khiến lực lượng chức năng đang “bị đuối” trước đội ngũ tội phạm công nghệ cao là do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan khác nhau. Có những địa phương ngại đấu tranh với loại tội phạm này vì trình độ công nghệ của các chiến sỹ chưa cao và chi phí điều tra rất tốn kém…

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, điều kiện tiên quyết là người dân phải hết sức cảnh giác khi nhận được những yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản người lạ. Đồng thời, khi đối tượng tự xưng là nhân viên hải quan, cán bộ nhà nước thì nạn nhân phải trực tiếp tìm hiểu số điện thoại của cơ quan liên quan rồi gọi điện để xác minh.

Thông thường, các đơn vị cơ quan nhà nước đều làm việc thông qua văn bản, tại trụ sở chứ không giải quyết qua điện thoại. Ngoài ra, khi yêu cầu người dân nộp bất cứ khoản tiền gì dù lớn hay nhỏ, cơ quan cũng sẽ cấp biên lai cho người nộp tiền. Bà Hằng cũng nhấn mạnh: “Bất kỳ trường hợp nào đưa ra lợi ích kinh tế cũng cần phải cảnh giác cao độ. Nhất là khi phải bỏ tiền túi của mình ra để có được một nguồn lợi nào đó mà nạn nhân chưa hề nhìn thấy”.

KHÁNH HÒA (Tin8)

13,117 Read
1,953 Share
(414)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang