Tờ khai đăng ký khai sinh trong hồ sơ của anh Lưu Trường Vinh gởi cho bộ phận tư pháp xã Phước Hữu
Trước đó, Tin8 đã đăng tải câu chuyện về quá trình đặt tên con nhọc nhằn của anh Lưu Trường Vinh (28 tuổi, người dân tộc Chăm ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Anh và gia đình có nguyện vọng đặt tên cho đứa con đầu lòng của mình là Lưu Haniim. Theo ngôn ngữ của người Chăm thì Haniim có nghĩa là “hạnh phúc”.
Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ đến bộ phận tư pháp xã Phước Hữu thì nhiều lần bị cán bộ từ chối làm thủ tục vì lý do “người Việt Nam không được đặt tên nước ngoài”. Khi anh Vinh kiên trì giải thích với cán bộ rằng “Haniim không phải tiếng nước ngoài mà là tiếng Chăm. Trong khi đó, Chăm là một trong 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam. Hơn nữa, pháp luật nước ta đã công nhận dân tộc Chăm có ngôn ngữ và chữ viết riêng” thì cán bộ mới yêu cầu anh Vinh chứng minh Haniim là tên tiếng Chăm trong buổi làm việc tiếp theo (27-6).
Đúng hẹn, ngày 27-6, anh Vinh quay lại UBND xã Phước Hữu và mang nhiều cuốn từ điển Việt - Chăm. Sau một khoảng thời gian làm việc cùng cán bộ tư pháp và Trưởng Công an xã Phước Hữu, anh Vinh đã chứng minh được Haniim không phải là “tên nước ngoài” mà là tên tiếng Chăm. Cán bộ chấp nhận nhưng vẫn mời anh lên bộ phận tư pháp huyện Ninh Phước để tiếp tục làm việc. Tại đây, anh Vinh được biết hồ sơ đặt tên con của anh được tiếp nhận nhưng phải đợi đến ngày 4-7 mới có câu trả lời chính thức.
Đến ngày 4-7, anh Vinh lại đến UBND xã Phước Hữu để mong nhận được câu trả lời chính thức của cán bộ tư pháp. Vị cán bộ này đưa hồ sơ lại cho anh Vinh và yêu cầu anh đến gặp anh Trương Mai Lĩnh - Trưởng phòng Tư pháp huyện Ninh Phước.
Từ xã, anh Vinh lên huyện tìm gặp anh Lĩnh. Sau khi nghe anh Vinh trình bày sự việc, anh Lĩnh trả lời: Trường hợp đặt tên con là "Lưu Haniim" vẫn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhân nhưng phải chuyển sang nghĩa tiếng Việt là Lưu Hạnh Phúc chứ không được đặt là Lưu Haniim!?.
Tờ đơn xin đặt tên cho con được anh Vinh làm theo hướng dẫn của Trưởng phòng TP huyện Ninh Phước
Theo cách giải thích của cán bộ Lĩnh thì rõ ràng là cái tên Lưu Haniim không được phép “tồn tại”. Vậy tại sao anh Lĩnh lại nói rằng cái tên ấy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận?
Không hài lòng với câu trả lời trên, anh Vinh khẳng định nguyện vọng của anh và gia đình là đặt tên Lưu Haniim cho con của mình chứ không thêm hoặc bớt ký tự nào khác.
Lúc này anh Lĩnh mới hướng dẫn anh Vinh viết tiếp một tờ đơn xin đặt tên cho con, trình bày nguyện vọng, có sự thống nhất và chữ ký cả vợ và chồng, sau đó nộp cho UBND xã. Cán bộ tư pháp xã sẽ gửi công văn cho Phòng Tư pháp và Sở Tư pháp để xin ý kiến.
Theo lời hướng dẫn, anh Vinh quay về nhà làm tờ đơn, đưa vợ ký. Sau đó lại lên UBND xã để nộp. Cán bộ tư pháp xã lấy số điện thoại cá nhân của anh Vinh và hẹn khi nào có công văn trả lời sẽ gọi cho anh. Buổi làm việc ngày 4-7-2016 kết thúc nhưng anh Vinh và gia đình không nhận được câu trả lời chính thức. Đồng thời, anh cũng không biết đến khi nào mới có được “công văn trả lời” của cơ quan chức năng.
Sự giải quyết vòng vo, chậm chạp của các cấp cán bộ ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đang làm dấy lên nỗi lo ngại của người dân ở địa phương nói chung và cộng đồng người Chăm nói riêng về quy trình xử lý thủ tục hành chính của chính quyền. Trong khi việc đặt tên con theo nguyện vọng của mỗi người, phù hợp với quy định của pháp luật mà cán bộ còn chần chừ, không nhất quán thì những sự việc khác mang tính chất phức tạp hơn sẽ được xử lý như thế nào? Trong thời gian bao lâu? Người dân phải mất thời gian đi lại, chờ đợi bao nhiêu lần?
KHÁNH HÒA (Tin8, ảnh: nhân vật cung cấp)