Xem chi tiết sự việc: Sà lan đâm sập cầu Ghềnh
Hình ảnh cây Cầu Ghềnh vững chãi của Biên hòa vào năm 1970 - Ảnh: Internet
Đến nay, cây cầu đã có mặt rất lâu song sự tranh luận về tên gọi cây cầu vẫn còn tiếp diễn, cụ thể bảng tên trên cầu ghi “cầu Ghềnh” nhưng đại đa số người dân Biên Hòa vẫn giữ cái tên gọi từ thưở ông cha “cầu Gành”, nhất quyết không gọi tên gọi mới. Thậm chí, khi bạn đến Biên Hòa, Đồng Nai hỏi đường đến cầu Ghềnh thì bạn hoàn toàn có thể nhận được câu trả lời: “Tôi sống ở đây hàng chục năm trời chưa nghe cây cầu nào tên Ghềnh, nếu muốn tìm cầu Gành thì tôi chỉ cho”.
“Anh em cùng cha” với cầu Tràng Tiền (Huế) và cầu Long Biên (Hà Nội)
Tài liệu của Bảo tàng tỉnh Đồng Nai ghi nhận: Cầu Gành được khởi công xây dựng vào năm 1901; dài 223,30m; bao gồm 4 nhịp, có kiểu kiến trúc Gothic trang nhã bằng thép rất kiên cố. Trên cây cầu ngoài tuyến đường bộ, đường dành cho xe cơ giới còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam, tuyến xe lửa được khánh thành vào ngày 14-1-1904. Trước khi phân tích tên chính xác về cầu Ghềnh hay cầu Gành, chúng tôi xin mạn phép dùng tên được đóng trên cầu đến ngày nay: cầu Ghềnh.
Hình dáng của cầu Ghềnh được nâng đỡ bởi 3 trụ xây bằng đá lớn băng qua một khoảng sông rộng, ba trụ móng này nâng một khối lượng sắt cực lớn. Nhịp cầu được làm thành 4 hình vòng cung người dân quen gọi là cầu bốn nhịp. Vì thế mà hình dáng cầu Ghềnh tương đối giống với cầu Trường Tiền (Huế). Điểm giống nhau của cả hai cây cầu dễ thấy nhất chính là hình dáng mà đây còn là những công trình xây dựng bằng thép.
Cầu Ghềnh về đêm tuyệt đẹp đã trải qua bao chứng tính lịch sử vẫn kiên cố của người dân Đồng Nai nay đã vụn vỡ - Ảnh: Internet
Hơn thế nữa, hai cây cầu này theo nhiều tài liệu lịch sử ghi lại chúng còn có điểm giống nhau không thấy được: chính là “anh em cùng cha” với nhau. Cả hai đều do kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel (1832 - 1923) người Pháp Eiffel thiết kế, ông cũng chính là tác giả của tháp Eiffel ở thủ đô Paris (Pháp) nổi tiếng khắp thế giới. Ngoài ra, một cây cầu lững lẫy của Việt Nam cũng là công trình của ông chính là cầu Long Biên ở Hà Nội.
Cầu Ghềnh là nhịp nối giữa hai bờ Cù Lao Phố và phường Bửu Hoà thuộc TP. Biên Hòa. Tính đến nay, cây cầu đã gắn bó với người dân Biên Hòa đã 112 năm và cầu có vị trí quan trọng, là huyết mạch trong tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngoài tuyến đường bộ và tuyến đường dành cho xe cơ giới. Có thể nói, cây cầu “bô lão” hơn 100 tuổi này từ lâu đã là biểu tượng của người dân Biên Hòa nói chung và đất Đồng Nai nói riêng.
Cầu hơn trăm tuổi vẫn trăn trở về tên gọi: cầu Ghềnh hay cầu Gành
Đến nay, tên gọi cho cây cầu vẫn gây ra nhiều tranh luận. Hình ảnh cầu Ghềnh bắc qua dòng sông Đồng Nai đã gắn liền với đời của người dân nơi đây, trở thành một phần của vùng đất Trấn Biên xưa, đất Biên Hòa ngày nay. Thế nên, theo nhiều người lớn tuổi sống ở đây, cầu không phải tên Ghềnh mà chính là Gành.
Giải thích cụ thể về cơ sở của cái tên Gành, nhiều người cho biết chúng được đặt theo địa thế của khu vực lòng sông Đồng Nai. Ở đây, có rất nhiều gành đá tảng ngay dưới lòng sông, mọi người chỉ có thể thấy được những ụ đá lớn nổi lên khi thủy triều xuống. Tương truyền, người dân Trấn Biên xưa đã đem những khối đá ném xuống lòng sông để ngăn cản tàu giặc của Pháp sang đánh chiếm vào năm 1860. Cầu Gành lúc bấy giờ là công trình lớn có tầm cỡ ở toàn xứ Nam kỳ.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai Lưu Văn Du cũng cho biết sau khi tìm hiểu và khảo sát người dân thì hầu như người dân Cù lao Phố vẫn quen gọi là cầu “Gành” chứ không phải bằng “Ghềnh”. Cũng theo ông, “Ghềnh” có thể xuất phát từ việc phát âm trại ra chứ dân Cù lao nhất quyết không gọi tên này.
Theo người dân Biên Hòa, tên Ghềnh không có ý nghĩa bằng tên Gành như người dân biên hòa đã gọi từ trăm năm nay - Ảnh: Internet
Theo địa lý, Cù lao Phố (tên thường gọi của cã Hiệp Hòa ngày nay), một phía nối với các phường nội ô bằng cầu Rạch Cát (tên gọi cầu này không có gì bàn cãi bởi lấy tên nhánh sông mà nó bắc qua để đặt tên), phía còn lại nối với các phường ngoại ô về hướng TP.HCM bằng chiếc cầu Gành. Và tên cầu Gành được người dân Biên Hoà sử dụng trước năm 1975 vì ngay cả trên giấy tờ vẫn gọi tên “Gành”.
Bỗng nhiên, sau giải phóng 1975, một số cán bộ công chức tận miền Bắc vào đây sinh sống và làm việc, họ cho rằng tên “Gành” như đang bị viết sai và tự sửa lại tên “Ghềnh”. Từ đó, rất nhiều sáng tác văn học, hay báo đài đã chính thức dùng tên cầu “Ghềnh” - cái tên này ít nhiều gây ra sự khó chịu cho nhiều người dân Biên Hòa lớn tuổi.
Hiện nay, nhiều người hiểu nghĩa tên cây cầu “Gành” và “Ghềnh” là do cách đọc của vùng miền khác nhau. Người Nam thì đọc Gành với lý do gành đá dưới lòng sông, người Bắc đọc Ghềnh là do cách đọc của họ. Song, dù thế nào thì ở hai đầu cầu hai phía nội ô và ngoại ô Cù lao Phố được đề bảng: Cầu Rạch Cát và Cầu Ghềnh. Tuy nhiên, dù tên gọi như thế nào đi nữa thì cầu Ghềnh (Gành) có giá trị rất lớn về mặt văn hóa và lịch sử, là linh hồn của mọi người dân nơi đây.
THÙY ĐAN (Tin8)