Đứa bé biệt danh M và quyền nuôi dưỡng nó trở thành đề tài tranh luận sôi nổi suốt một thời gian dài ở Mỹ - Ảnh minh họa: Internet
Năm 1988, Tòa án Tối cao tại thành phố New Jersey phán quyết rằng việc trả tiền để một người phụ nữ mang thai và đẻ con cho mình là bất hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền ở nước Mỹ. Nguyên nhân của phán quyết này là sự tranh chấp quyền nuôi con bằng phương pháp mang thai hộ giữa hai gia đình Stern và Whitehead .
Năm 1982, người vợ của nhà sinh học William Bill Stern gặp chứng đa xơ cứng nên nếu bà mang thai, nguy cơ bị liệt trong thai kỳ là rất cao. Họ tìm đến Trung tâm Hiếm muộn New York để tìm người mang thai hộ bằng mẫu tin quảng cáo trên tờ Asbury Park.
Hai năm sau đó, Mary Beth Whitehead (28 tuổi) tìm gặp ông bà Stern để cho biết cô có thể sinh con cho ông bà. Khi đó, Whitehead đã kết hôn và có hai con với một nhân viên thu gom chất thải. Cô cam kết sau khi sinh con cho vợ chồng Stern, cô sẽ không bao giờ đặt chân đến nhà riêng của họ; chỉ cần mỗi năm, ông bà Stern gửi cho cô ta một bức ảnh của đứa bé và một lá thư kể về tất cả những chuyện đã xảy ra trong năm đó của gia đình ông bà.
Hai bên đã thống nhất thỏa thuận và ký kết hợp đồng với nội dung Whitehead nhận 10.000 USD (tương đương với 22.000 USD hiện nay) để sinh cho nhà Stern một đứa con. Whitehead được thụ tinh với tinh trùng của ông Bill Stern. Sau đó bà sinh con và chuyển quyền làm mẹ đứa trẻ lại cho vợ của ông Bill.
Vợ chồng cô Whitehead tại phiên tòa lịch sử về quyền nuôi con bằng phương pháp mang thai hộ - Ảnh: AP
Ngày 27-3-1986, Whitehead hạ sinh một bé gái và đặt tên là Sara Elizabeth Whitehead. Tuy nhiên, sau 1 ngày giao con cho ông bà Stern, cô tìm đến nhà hai vợ chồng đòi lại đứa con và hăm dọa cô sẽ tự tử nếu hai vợ chồng ông Bill không trả con lại cho cô. Đứa bé được giao lại cho người đã sinh ra nó.
Hai năm sau, một phiên tòa mở ra tại New Jersey để xét xử quyền nuôi dưỡng đứa bé giữa hai bên. Tòa án tối cao quyết định ông bà Stern được quyền giữ đứa bé nhưng hợp đồng mang thai giữa hai bên là bất hợp pháp. Cô Whitehead được khôi phục quyền làm mẹ và có quyền đến thăm con thường xuyên tại nhà của ông bà Stern. Đứa bé được đổi tên thành Melissa Elizabeth Stern (biệt danh M).
Hiện nay, dịch vụ mang thai hộ đã được luật pháp Mỹ công nhận. Sự hỗ trợ của kỹ thuật công nghệ cho phương pháp này cũng đã cải tiến hơn rất nhiều. Theo đó, người mang thai hộ được cấy trứng của một phụ nữ khác rồi thụ tinh nên họ không có quan hệ gì với đứa bé trong bụng về mặt sinh học.
Thời của cô Whitehead, do cô được thụ tinh bằng trứng của mình nên cô được coi là mẹ ruột của đứa bé. Tình mẫu tử thiêng liêng đã kéo theo hàng loạt rắc rối và tranh cãi trong xã hội giai đoạn đó. Vì thế, baby M được coi là ca sinh đẻ bằng phương pháp mang thai hộ gây chấn động nước Mỹ.
KHÁNH HÒA (Tin8)