Là một đất nước nằm ở khu vực Trung Mỹ, Guatemala được cho là đất nước có nền văn hóa lâu đời và là cái nôi của nền văn minh Maya. Guatemala có 16 triệu dân, trong đó có hơn 60% là người nghèo.
Chính cái nghèo đã khiến cho những ông bố, bà mẹ nơi đây có thể nhẫn tâm bỏ rơi con mình hoặc thông qua những băng nhóm khai thác sức lao động bất hợp pháp để "cho thuê" con đẻ của mình làm nô lệ.
Thông qua những cuộc giao dịch phi pháp, cha mẹ của đứa trẻ sẽ được nhận khoảng 25USD/tuần cho việc "thuê con". Giao dịch hoàn tất, những đứa trẻ sẽ được "thu gom" lại để làm những công việc như lau kính chắn gió, bốc vác hay đóng vai những chú hề tung hứng trên đường phố, thậm chí là đi ăn xin.
Những đứa trẻ này sẽ được đưa đến sinh sống ở những nhà nghỉ tồi tàn. Thành quả sau một ngày làm việc mệt nhọc từ chính sức lao động của chúng được trả công bằng những mẩu bánh mì và chai nước uống cầm chừng.
Các nhà chức trách ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em đang làm việc trên khắp các đường phố Guatemala. Mỗi ngày các em phải làm những công việc nặng nhọc kéo dài suốt 16 giờ. Chúng phải đưa về cho "chủ" ít nhất là 13USD/ngày, nếu không hình phạt dành cho chúng là những trận đòn roi kinh khủng.
Ông Harold Flores, nhân viên bảo vệ trẻ em trong văn phòng công tố viên nhà nước cho biết: "Do lợi ích có được từ nhóm lao động này, nhiều nhóm tội phạm có tổ chức đã đứng ra bao thầu trẻ em. Các trẻ em này đều được người lớn bảo rằng chúng được đưa đi học, học nghề hoặc sẽ có cuộc sống tốt hơn nơi quê nhà".
Sự bóc lột trẻ em đang trở thành một vấn nạn ở Guatemala. Tuy nhiên, chính phủ nơi đây lại không cố gắng tập trung giải quyết vấn đề này. Vì vậy, các băng nhóm buôn người cứ mặc sức tung hoành và số lượng bé trai, bé gái được "cho thuê" ngày càng tăng.
Gloria Castro, thuộc Phòng nhân quyền Ombudsman, người đấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ trẻ em vị thành niên cho biết: "Trong nửa đầu năm nay, đã có 68 đứa trẻ được giải cứu từ các băng nhóm buôn người. Con số này chưa nói lên được điều gì khi thực tế trẻ em đang bị đưa vào một mạng lưới khai thác sức lao động là rất lớn".
DZUNG LÊ (Tin8, ảnh: Internet)