Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng doanh nghiệp có chuyện đi người đến, người thủ trưởng theo chức năng, nhiệm vụ của mình để bổ nhiệm cán bộ. “Vì vậy không thể quy trách nhiệm ký bổ nhiệm là lợi ích nhóm. Thưa HĐXX, tất cả các anh ngồi đây (các bị cáo – PV), từ anh Phùng Đình Thực – nguyên Tổng GĐ PVN trở xuống đều do bị cáo bổ nhiệm. Bản thân bị cáo cũng được cấp trên bổ nhiệm. Không thể quy kết cứ bổ nhiệm là lợi ích nhóm. Ở đây là lương tâm, trách nhiệm, danh dự của bị cáo và tập thể PVN”, bị cáo Đinh La Thăng nói.

Bị cáo Đinh La Thăng.
Nói về vấn đề nhận trách nhiệm, theo bị cáo Đinh La Thăng, Viện KS nêu việc cấp trên không nhận trách nhiệm trong khi cấp dưới nhận thì “bị cáo thấy buồn”. “Bản thân bị cáo lúc đó là lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn, bị cáo đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhận trách nhiệm chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐTV, bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm và nhận trách nhiệm cho các cán bộ dưới quyền, chỉ vì tiến độ, chất lượng, hiệu quả dự án mà dẫn đến sai phạm”, bị cáo Thăng nói.
Bị cáo Đinh La Thăng nói thêm, ông luôn đề nghị các luật sư “bào chữa gì thì bào chữa, không được đổ lỗi cho Đảng, Chính phủ, không được đổ lỗi cho cấp dưới”.
Sáng qua, 15.1, trong phần tranh luận, đại diện Viện KS giữ quyền công tố tại tòa đã tranh luận về việc đưa ra nhận định lợi ích nhóm. Vị đại diện Viện KS nói: Xét về mối quan hệ cho thấy, bị cáo Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh đều do bị cáo Đinh La Thăng quyết định tiếp nhận về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và được cất nhắc vào các chức vụ.
“Xuất phát từ các mối quan hệ đã có, như phân tích, mặc dù biết Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đang khó khăn tài chính, không đủ năng lực thi công dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, để tạo điều kiện cho PVC, bị cáo Đinh La Thăng đã ưu ái, bỏ qua các quy định của pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu dự án. Sau đó, chỉ đạo các bị cáo tại PVN và các đối tượng liên quan tại PVPower ký hợp đồng EPC và tạm ứng tiền cho PVC trái quy định của pháp luật,...