Mẹ con chị Ly trở về nhà sau 2 tháng điều trị ở bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa
Đó là câu chuyện có thật của gia đình sản phụ Phạm Thị Hương Ly (ngụ ở xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Chị mang thai đến tuần 28 thì có dấu hiệu sinh non. Gia đình đưa chị đến bệnh viện đa khoa Hà Trung (Thanh Hóa) cấp cứu thì chị hạ sinh được một bé gái trong tình trạng sức khỏe yếu.
Theo lời giới thiệu của bệnh viện thì ekip bác sỹ phụ trách ca trực cho sản phụ Ly là những bác sỹ giỏi nhất về sản khoa của bệnh viện Hà Trung. Họ cho rằng em vé không thể sống trong vài phút tới và khuyên gia đình đưa về để lo hậu sự. Mặc dù rất đau buồn trước hung tin nhưng cả nhà chị Ly vẫn đưa bé về vì “lời bác sỹ giỏi đã nói”.
Gia đình mua cả tiểu sành để chuẩn bị khâm liệm, chôn cất bé. Thế nhưng, trái ngược với những lời tiên lượng của bác sỹ, bé không có biểu hiện yếu dần mà còn hồng hào hơn lúc mới sinh. Gia đình quyết định đưa bé vượt tuyến lên Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, bé được điều trị trong 2 tháng và xuất viện khỏe mạnh. Đến nay, bé vẫn phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác.
Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ hoạt động chuyên môn 3 tháng và chuyển công tác 1 vị trưởng khoa sản cùng nhiều y, bác sỹ, hộ sinh của bệnh viện đa khoa huyện Hà Trung vì đã vội vàng đưa ra kết luận trong trường hợp của sản phụ Ly.
Suy ngẫm về lời thề y đức
Người nhà sản phụ Ly làm việc với đại diện bệnh viện huyện Hà Trung
Ở nước ta và nhiều nước khác trên thế giới, trước khi tốt nghiệp và chuẩn bị hành nghề, các bác sỹ đều phải đọc lại lời thề Hippocrates. Riêng Việt Nam, ngoài lời thề ấy còn có quy định về 12 điều y đức. Trong đó có quy định: “Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết”.
Tức là dù bệnh nhân mắc phải tình trạng bệnh tình nặng ra sao thì trách nhiệm của y, bác sỹ là phải cứu chữa tới cùng, quyết tâm chữa trị bằng mọi giá. Kết quả ra sao là việc khác. Trong quá trình cứu chữa, bác sỹ tuyệt đối không được có suy nghĩ “trả bệnh nhân về”.
Thế nhưng có vẻ như đội ngũ bác sỹ phụ trách ca bệnh của sản phụ Ly không thực hiện đúng với quy định đạo đức này. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu vì lời kết luận vội vàng của họ, gia đình sản phụ buông xuôi thì sinh mạng của một đứa trẻ vô tội sẽ như thế nào?
Khi nào còn tồn tại khái niệm “bệnh viện trả về” thì có thể khi đó vẫn còn những trường hợp “chết oan” do không may rơi vào tay của những bác sỹ thiếu kiến thức, thiếu tâm đức này…
KHÁNH HÒA (Tin8, ảnh: Internet)