Bé Nguyệt "lãnh trọn" chén mắm tôm của cô giáo người Mỹ chỉ vì lỗi chạy nhảy, nghịch phá lúc cô đang dạy học
Nạn nhân là bé Bùi Ánh Nguyệt (5 tuổi), sống với mẹ ở tầng 3, tòa nhà 16B đường Nguyễn Thái Học, Hà Đông, Hà Nội. Phòng dạy học của cô giáo người Mỹ nằm ở phía đối diện với căn hộ của hai mẹ con bé Nguyệt đang ở.
Cô giáo thường xuyên mở cửa trong lúc giảng dạy nên những bé sống trong tòa nhà liên tục chạy ra, chạy vào, đùa giỡn trong chỗ cô giáo dạy học. Trong số những đứa trẻ ấy, có cả bé Nguyệt.
Trong lúc bực tức, người giáo viên kia đã hắt cả chén mắm tôm lên người đứa trẻ này. Với sự ngây thơ của một đứa bé đang ở độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm lý, bé Nguyệt vẫn không ý thức được vì sao mình lại bị cô giáo kia đối xử như thế.
Em quay về mách mẹ. Quá xót con, mẹ bé Nguyệt xảy ra cự cãi, giằng co với người hàng xóm nhưng không nghĩ rằng mình sẽ ngồi xuống giải thích cho bé hiểu rằng hành vi nghịch phá của bé phạm lỗi không tôn trọng không gian riêng tư của người khác.
Một nhà "đạo đức học" trình bày quan điểm của mình về sự việc
Nếu là một người 15 tuổi, bạn có thể bị “khiển trách” nặng nề hơn. Tuy nhiên, hình phạt không phải là hắt cả chén mắm tôm ướt vào người. Bạn có nghĩ điều này sẽ ám ảnh một đứa trẻ tội nghiệp? Trong suy nghĩ non nớt của bé, bé được dạy rằng “cứ năng động vui đùa, chạy nhảy đi, rồi sẽ được hưởng ngay một bát mắm tôm nặng mùi khắp cơ thể.
Đáng nói là sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau khi thông tin này đăng tải trên khắp các mặt báo, nhiều nhà “giáo dục học” trích dẫn lại đường dẫn bài báo kèm theo những dòng trạng thái cay nghiệt dành cho đứa trẻ trên đang Facebook cá nhân của mình.
...Và đây là cách một số người sẽ sử dụng nếu được phạt một đứa trẻ 5 tuổi
"Gặp tui là tui... vặn cổ!"; "Trẻ con hư đốn, tạt mắm tôm là còn nhẹ rồi!"; "Cho nó ăn tương ớt với ớt bột luôn đi!; "Tát vập mặt nó ra"; “với những đứa con nít hư hỏng thế này thì phải…bưng nó đi làm mắm” …Đó là tất cả những gì người ta thể hiện sự “quan tâm” của mình trước sự việc và trước cách giáo dục một đứa bé 5 tuổi.
Với những người vừa buông ra những lời hăm dọa đáng sợ kia, có bao giờ bạn nhớ về “tuổi thơ dữ dội” của mình với những trò nghịch phá làm đau đầu người lớn? Và nếu mỗi lần như thế, bạn bị “vặn cổ”; “ăn tương ớt” hoặc bị “bưng đi làm mắm” thì bạn sẽ lớn lên thế nào? Phải chăng đó là một tâm hồn bị ám ảnh, thậm chí bị khuyết tật.
KHÁNH HÒA (Tin8, ảnh: Internet)