Đâu mới là sự thật 100%? Và giả sử, sự thật đúng như lời người hàng xóm thì cậu bé đáng thương có đáng bị dân mạng chỉ trích?
Cậu bé bán hạc giấy tại vòng xoay Hàng Xanh, TP.HCM - Ảnh: CTĐT
Người hàng xóm vạch trần sự thật bé bán hạc giấy
Ngay sau khi hình ảnh cậu bé câm bán hạc giấy được chia sẻ trên mạng, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ cậu bé lợi dụng sự thương cảm của mọi người để bán đắt hàng.
Bạn Trương, người tự xưng là hàng xóm của cậu bé này đăng lên Facebook thông tin gây sốc:
“Mình nói các bạn tin hay không thì tùy nhé. Thằng nhóc nhỏ này nhà ở hẻm 294 Xô Viết Nghệ Tĩnh Nếu ai vòng vòng khu đó để ý sẽ thấy có 1 người đàn ông hay đậu xe ôm ngay Lotteria đầu hẻm hay kè theo nó ra bán, là ba ruột của nó. Nói xe ôm chứ thực chất đứng canh lấy tiền góp cho má nó. Còn má nó ở nhà tên Yến, vàng đeo đỏ cả tay, cho vay tiền góp.
Nhà đó rất đông người và hầu như ngày nào cũng gây ồn ào nhất xóm. Thằng bé này hay gọi bằng cu Tũn, nó nói ú ớ thật nhưng không ngu như mọi người thấy đâu. Ngày trước mẹ nó hay dạy nó canh nhà nào trong xóm sơ hở là vô ăn cắp dép, lỡ có bị phát hiện thì còn đổ thừa tại bệnh down.
Người tự xưng là hàng xóm của cậu bé này đăng thông tin gây sốc - Ảnh: Internet
Ba mẹ nó chủ yếu ở nhà đổ cá ngựa tới nửa đêm. Dưới thằng nhóc này còn có 2 chị em sanh đôi nữa, nếu bạn nào tới đây sẽ để ý 3 anh em nó hay đi chung. Nhưng 2 đứa kia chủ yếu xin đểu ở khu vực 2 cây xăng gần nhau ngay vòng xoay hàng xanh. Tất cả là do má nó sắp đặt, tiền đem về cho má nó đổ cá ngựa hết thôi. Các bạn không tin có thể đến mà để ý.
Vì má nó sinh tới 6 đứa con nên không quan trọng mấy đứa nhỏ này đâu. Các bạn thương người, giúp người là tùy các bạn, nhưng trước khi giúp đỡ hãy tìm hiểu kĩ. Thời buổi thật giả lẫn lộn, coi chừng các bạn mua hạc giấy là đang nuôi má thằng nhóc này chứ không phải đang giúp nó đâu”.
Ngay sau khi câu chuyện của Trương đăng tải, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng khi đọc những lời cảnh báo này.
Bạn Đơn viết: “Cuộc sống hiện nay thì nhìn vậy mà chưa chắc đã vậy”.
Bạn Trang Lê thì chia sẻ: “Cần tìm hiểu kỹ trước khi mình giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó, chứ đừng để sự giúp đỡ của mọi người thành con dao hai lưỡi để người khác có thể kiếm lợi nhờ sự thương hại của mọi người đối với em”.
Thậm chí có người còn châm biếm: "Đúng là cha truyền con nối" - khi biết cha mẹ cậu bé ham đánh bạc.
Không mua thì đừng hoài nghi trẻ thơ
Nhìn vào tấm biển rao bán hạc giấy viết sai chính tả của cậu bé này: “Hạt (hạc) giấy con gắp (gấp). Cô bác mua dùm (giùm) con”, nhiều người cảm thấy động lòng.
“Em không nói được, chỉ ú ớ giơ tay mời khách. Chiếc xe đạp nhỏ xíu, chở theo thùng hạc giấy. Nhìn thương lắm!” - nickname Trai Khờ nói về cậu bé.
Với chiếc xe đạp nhỏ xíu, cậu bé chở theo thùng hạc giấy - Ảnh: Internet
Do cha mẹ nghiện cờ bạc, không chăm sóc các con, cậu bé này và hai em gái phải gấp hạc giấy đi bán. Buổi chiều tối, cậu bé thường đứng trước tiệm bánh tại hẻm 220 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM bán hạc giấy với giá 5.000đ/bịch.
Trước những bình luận trái chiều về cậu vé, một bạ đọc tỏ ra bức xúc: “Thuận mua vừa bán, thích thì mua không thích thì thôi chứ sao phải dìm hàng? Nhiều người bỏ ra cả triệu đồng ăn chơi không tiếc, nhưng sẵn sàng tiếc rẻ 5.000đ giúp đỡ người khác.”
Một bạn đọc chia sẻ: "Nhiều bạn sẽ nghi ngờ về sự lừa gạt như nhiều trường hợp hiện nay, nhưng theo mình nghĩ, con nít còn biết bỏ công sức ra xếp hạc và bán thế này để kiếm sống thì còn tốt hơn khối người lớn suốt ngày dùng chiêu trò lừa đảo".
Hãy cứ hoài nghi, hãy cứ yêu thương
Dù sao thì cậu bé cũng không van xin người khác cho tiền. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, dù cho 5 ngàn đồng/con hay, hay 5 ngàn đồng/bịch hạc liệu có quan trọng? Giá cả có thành vấn đề với tuổi của em?
Em còn bé, cần được sự ủng hộ, động viên đúng đắn để lớn lên không lệch lạc hướng đi. Hãy nghĩ đơn giản: em đang bán sản phẩm em làm ra và em tự hào với điều điều đó.
"Dù sao chuyện em bé bán hạc tự lập cũng hơn khối thằng nhóc, chỉ biết cắm mặt vô iPad và không chịu học! Đáng khen, đáng học tập mà!" - một độc giả bày tỏ.
Và tất nhiên, không thể không nhắc đến vai trò của bố mẹ cậu bé trong câu chuyện đáng buồn này.
KHÁNH VÂN (Tin8)