Điều kiện thời tiết nắng nóng ở Việt Nam không phù hợp với đề xuất mới của UNATGTQG - Ảnh: Internet
Ngay sau khi đề xuất bắt buộc người điều khiển xe máy phải bật đèn chiếu sáng kể cả ban ngày “đăng đàn”, đa phần dư luận trong nước đã có những bình luận phản đối gay gắt. Theo ý kiến của một cán bộ công tác ở UBATGTQG thì “sáng kiến” này nảy sinh khi cơ quan này có được kết quả khảo sát ở 7 quốc gia trên thế giới. Họ cho rằng, tình trạng tai nạn giao thông ở Thái Lan, Malaysia hoặc Thụy Sĩ kéo giảm đáng kể nhờ quy định bật đèn chiếu sáng khi lưu thông cả ngày lẫn đêm.
Nhân dân đưa ra nhiều giả thiết về mức tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn, kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí sẽ xảy ra nếu hàng loạt xe máy ở các đô thị bật đèn vào ban ngày. Thực tế cho thấy, số lượng xe máy tại Việt Nam cao hơn gấp nhiều lần so với những nước mà UBATGTQG đã khảo sát.
Hơn nữa, khí hậu ở nước ta và các nước ấy khác nhau. Đa phần các ngày trong năm đều có thời tiết nắng nóng và chói sáng vào ban ngày. Người điều khiển xe hoàn toàn có khả năng quan sát mọi biến động trên hành trình của mình khi di chuyển. Vì vậy, nói bật đèn chiếu sáng vào ban ngày để làm giảm tai nạn giao thông là chưa hợp lý với điều kiện thời tiết hiện nay của nước ta.
Nhân dân chỉ ủng hộ những sáng kiến sát với thực tế
Xét một cách công bằng, “bật đèn chiếu sáng xe máy khi lưu thông cả ngày lẫn đêm” cũng có tác dụng và cần thiết ở một số khu vực và những thời điểm đặc biệt trong năm. Ví dụ, khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên thường có hiện tượng sương mù dạy đặc vào mùa đông xuân. Khi lưu thông vào ban ngày, các chủ phương tiện cũng thường bị sương mù che khuất tầm nhìn. Nên việc ra quy định bắt buộc bật đèn chiếu sáng ở điều kiện này là rất hợp lý.
Nếu đề xuất bật đèn chiếu sáng xe máy áp dụng cho một số vùng miền hoặc những thời điểm đặc biệt trong năm thì có vẻ hợp lý hơn là áp dụng chung trên toàn quốc - Ảnh minh họa: Internet
Trong khi đó, việc bắt buộc quy định này phải được áp dụng chung trên cả nước thì không chỉ lãng phí mà còn có khả năng biến giao thông Việt Nam trở thành “trò cười” cho bạn bè quốc tế. Khi Tin8.com thực hiện một cuộc khảo sát nhanh để lấy ý kiến của nhiều người về việc này, có người ngạc nhiên hỏi ngược lại phóng viên: “Có chuyện gì xảy ra vậy? Tôi là một người dân bình thường, tôi còn biết ở các nước mà mấy vị cán bộ kia đem ra so sánh, xe máy chỉ là phương tiện lưu thông thứ yếu của họ. Còn ở nước ta thì ngược lại. Cứ thử hình dung trên một con đường kẹt xe cứng ngắc, trời đã nắng nóng mà hàng loạt xe còn bật đèn sáng thì sức nóng càng tăng lên. Thật khủng khiếp!”
Đúng vậy, các nước khác trên thế giới quy định xe máy phải bật đèn chiếu sáng kể cả ban ngày nhằm mục đích để số đông tài xế đang lái ô tô nhận biết rằng có một (hoặc một vài) xe máy đang chạy cùng hướng, cùng đường với mình và nâng cao cảnh giác tai nạn. Cờn ở Việt Nam, số lượng chênh lệch giữa ô tô và xe máy hoàn toàn ngược lại. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến đề xuất của UBATGTQG bị nhân dân phản đối gay gắt.
Luật cũ làm chưa nghiêm, đưa ra luật mới viễn vông để làm gì?
Bên cạnh những ý kiến phản đối gay gắt với đề xuất mới của UBATGTQG, một bộ phận dư luận khác còn tỏ ý trách móc lực lượng chức năng chưa làm cho người dân thực hiện triệt để những quy định trước đó như người điều khiển phương tiện phải bật đèn (cả ngày và đêm) khi lưu thông ở các đường hầm vượt sống Sài Gòn hoặc vượt đèo; đi qua hầm chui đô thị….
Phương tiện phải bật đèn chiếu sáng vào ban ngày khi đi qua hầm cầu vượt là quy định đã được nhân dân đồng thuận nhưng chưa thực hiện nghiêm túc - Ảnh: Internet
Ngay cả việc bật đèn xi-nhan khi chuyển hướng còn chưa được người lái xe thực hiện nghiêm túc và lực lượng chức năng gặp bối rối trong nhiều tình huống xử phạt thì việc áp dụng đề xuất bật đèn chiếu sáng cả ban ngày lẫn ban đêm chỉ là điều viễn vong, làm mất thời gian góp ý xây dựng của nhân dân và các ngành liên quan.
Khắc phục vấn nạn ùn tắc giao thông cần có sự kết hợp chuẩn xác, quyết liệt của nhiều yếu tố - Ảnh minh họa: Internet
Khắc phục ùn tắc và tai nạn cần có sự kết hợp chuẩn xác, quyết liệt của nhiều yếu tố như tư duy phân luồng giao thông; nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện quy định an toàn giao thông; thái độ làm việc minh bạch, nghiêm khắc, kiên quyết nói không với tình trạng “mãi lộ” của các chiến sỹ cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ…Thiết nghĩ, cán bộ và cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra một đề xuất mới để thể hiện cái tâm trong công việc và cái tầm của người làm lãnh đạo thay vì “làm cho có”. Mà cái tâm, cái tầm của người phụ trách lĩnh vực ATGT ở nước ta là nỗ lực thực hiện triệt để những quy định pháp luật đã được nhân dân đồng thuận.
KHÁNH HÒA (Tin8)