Có một nhà dân tộc học đã ví von rằng, nếu như người Chămpa vì một lý do nào đó rời đất đai của mình mà đi, thì dù ở phương trời nào, cứ đến ngày tết lại cố tìm về thờ cúng tại nơi chôn nhau cắt rốn; còn người Việt thì trên đôi gánh đi mở đất của mình luôn mang theo bàn thờ tiên tổ. Cứ cắm đất chỗ nào, thì việc đầu tiên của người Việt là lập ngay bàn thờ với hai bát hương, một thờ gia tộc, một thờ thần linh thổ địa. Chiểu vào cuộc sống của hàng chục ngàn người Việt ở Nga thì thiết nghĩ, ý kiến này hoàn toàn xác đáng.

Bàn thờ ngày tết ở Mông cổ. Ảnh: Lê Chiên
Tối 30 Tết, nhiều điểm ở Matxcơva, nhất là trên đồi Chim sẻ (đồi Lênin trước đây), ở Công viên Chiến thắng, Xokonnhiki, Tsarisino, Triển lãm thành tựu quốc dân, Lujnhiki… và hàng loạt công viên khác, pháo nổ rực trời. Quanh các khu nhà dân, hai, ba giờ sáng, tiếng pháo đùng vẫn đì đoàng không dứt. Một số năm do vấn đề an ninh, chính quyền Matxcơva chỉ quy định trên 200 điểm công cộng được đốt pháo.
Dù là ở ký túc xá, dù cư ngụ ở nhà riêng, hay tạm trú tại nhà thuê, có thể nói bất cứ gia đình người Việt Nam nào ở Nga cũng đặt bàn thờ. Ngày chuyển đến nơi ở mới, việc đầu tiên là bày lễ vật, hoa quả, cắm mấy nén hương cúng bái. Ngay cả sinh viên Việt ở chung phòng với sinh viên Tây cũng có một bát hương mua ở trong nước mang sang, có lúc khiêm tốn chỉ dùng một cốc thuỷ tinh đổ đầy gạo đặt trên nóc tủ, cắm ba nén hương bày hoa quả cúng ngày rằm, mồng một. Không ai bảo ai, không ai dạy ai, điều này đã trở thành tiềm thức sâu xa trong cõi tâm linh của người Việt.
Trong số xấp xỉ gần ba triệu người Việt đang sống rải rác trên hàng chục nước khắp địa cầu, những người Việt ở Nga do điều kiện riêng của nơi mình sinh sống, có những phương thức sinh hoạt và đặc điểm rất riêng.
Nói đến người Việt ở Nga là nói đến ốp. Ốp Xaliut 2, Xaliut 5, Xokol, Thuỷ Lợi, Sông Hồng, Đôm 14, An Đông, Rưbăc, Sài Gòn, Mekong… là những địa danh như tên làng, tên xóm ở Việt Nam. Ốp là chữ viết tắt đầu tiên bằng tiếng Nga trong từ Ký túc xá, nơi người Việt ở thời còn là công nhân theo diện hợp tác lao động. Hình thức rút gọn ngôn ngữ châu Âu này, chắc chắn về sau nhiều nhà ngữ văn sẽ khai thác và tìm ra những quy luật thú vị. Ví dụ: Lêningrat thì gọi là Len, Matxcơva thì gọi là Mat, Ulianôv thì gọi là Uli, Ekaterinburg thì gọi là Eka…, thế mà cả Tây, cả ta hầu hết đều hiểu, đều chấp nhận. Còn cái từ Ốp thì ngay cả những trí thức khó tính cũng coi đây là một danh từ, là một sản phẩm tuyệt hảo trong việc cải hoá ngữ ngôn người Việt.
Trước năm 2005, khi những ốp lớn có khoảng dăm, bảy trăm đến một ngàn rưỡi dân cư ngụ vẫn còn tồn tại thì tết trong các ốp tại Nga cứ như là tết ở làng quê Việt Nam vậy.
Mặc dù các ốp của người Việt tại Nga đã kết thúc hợp đồng, đóng cửa hầu hết; những ốp danh tiếng đã vĩnh viễn thành kỷ niệm, nhưng không khí tết vẫn giống như hồi còn làm ăn thịnh vượng. Hiện tại ở Matxcơva ngoài ốp Mekong mới mở, ba ốp cũ Rưbac, Xirennhevưi bunva và An Đông còn tồn tại, còn có thêm chừng chín điểm Khu Ngoại giao đoàn thuê lại, tập trung tới hàng ngàn người Việt, nên không khí tết cũng chẳng khác gì lắm với thời xa vắng ấy. Sống...