
Tân Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Trần Sỹ Thanh (phải) đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức tại PVN. (Ảnh: Tiền Phong)
Ngày 24.12, báo chí đã đưa tin về Hội nghị triển khai Quyết định của Bộ chính trị về công tác cán bộ, theo đó điều động ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy để về giữ chức vụ Phó trưởng Ban kinh tế T.Ư kiêm Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Dù chưa có buổi ra mắt hay công bố chính thức của PVN nhưng “ghế nóng” của PVN vốn bỏ trống 9 tháng nay - đã chắc chắn có chủ mới.
Ông Trần Sỹ Thanh ngồi vào “ghế nóng” tại thời điểm cơ quan điều tra đã khởi tố 3 đời Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN gồm: Ông Đinh La Thăng – Chủ tịch PVN giai đoạn từ 2005-2011; ông Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch PVN giai đoạn 2014-2015; ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch PVN thời điểm từ 21.1.2016 đến ngày 9.3.2017.
Đặc biệt, tân Chủ tịch PVN còn phải giải quyết “cục máu đông” tại 5/12 dự án thua lỗ của ngành công thương. Theo Bộ Công Thương, trong số 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, PVN chiếm tỷ lệ cao nhất với 5 dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đó là các dự án: Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, dự án Ethanol Dung Quất, dự án Ethanol Phú Thọ, dự án Ethanol Bình Phước và nhà máy đóng tàu Dung Quất.Ngoài ra, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch PVN giai đoạn 2011-2014 cũng vừa bị khởi tố vì những sai phạm trong thời gian ông làm Tổng Giám đốc tập đoàn này.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư đã rót vào 5 dự án này trên 21.250 tỷ đồng. Đến cuối 2016, tổng lỗ lũy kế, trừ dự án Ethanol Phú Thọ do dừng sản xuất khi mới thi công xây dựng được 78%, là hơn 9.000 tỷ đồng. Riêng với 3 dự án nhiên liệu sinh học, theo Thanh tra Chính phủ, tổng tiền thanh toán đến hết năm 2014 là hơn 5.400 tỷ, đều chưa đem lại hiệu quả.

Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh là từ nay tới năm 2020 phải xử lý dứt điểm 5 dự án thua lỗ theo mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. (Ảnh: IT)
Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, trong đó có 5 dự án của PVN. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến năm 2020 phải giải quyết dứt điểm cả 12 dự án thua lỗ nghiêm trọng này.
Với cương vị người đứng đầu của Tập đoàn kinh tế quan trọng nhất nhì của quốc gia, tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh sẽ phải “gánh vác” tất cả những trọng trách này.Ngoài các vấn đề như đã nêu trên, công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ở một số đơn vị thành viên của PVN cũng là một nhiệm vụ cấp bách cần triển khai trong thời gian tới.
Còn nhớ trước đó, tại buổi làm việc ngày 14.12 với PVN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu trong thời gian tới, PVN tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các dự án đầu tư; quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý các dự án chưa hiệu quả, chậm tiến độ; tập trung quyết liệt cho công tác cổ phần hoá để tạo nguồn lực tài chính cho các hoạt động, mục tiêu, chiến lược phát triển của PVN.

Dầu khí vẫn luôn là ngành mũi nhọn vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã...