"Chặt chém" là nỗi ám ảnh lớn của nhiều người khi đi du lịch - Ảnh minh họa: Internet
Mặc dù ngày mai các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp mới chính thức nghỉ lễ Tết Dương lịch nhưng hôm nay đã có một bộ phận lớn công nhân viên “tranh thủ” xin nghỉ trước lễ để chuẩn bị cho những chuyến du lịch xa cùng gia đình. Những địa danh du lịch nổi tiếng gần TP.HCM như Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang… cũng đang chuẩn bị đón hàng trăm ngàn du khách đổ về.
Câu chuyện bị “chặt chém” mùa du lịch như một vấn nạn “đến hẹn lại lên”. Và dĩ nhiên, khi vô lý phải trả một khoản tiền lớn cho một bữa ăn hoặc một dịch vụ nào đó thì không ai còn cảm tình cho vùng đất mình đang ghé thăm.
Bị "chém" cả triệu là chuyện bình thường
Tết “tây” năm nay trùng với mùa Festival hoa Đà Lạt, bởi thế mà thành phố này nằm trong kế hoạch vui chơi của hàng triệu người khắp cả nước. Chất lượng dịch vụ trong mùa lễ tết đã được chính quyền quan tâm siết chặt nhưng đâu đó vẫn còn những trường hợp “chặt chém”, hét giá ngất ngưỡng với khách hàng. Chị Trần Thị Mai (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cùng nhóm bạn ăn đêm tại một quán ốc ngay chợ Đà Lạt. Danh sách món của chị chỉ gồm 2 đĩa sò lông cháy tỏi, 1 phần nghêu hấp sả, 4 trứng vịt lộn và 4 ly nước đậu nành nhưng tổng số tiền chị phải trả là 1,5 triệu đồng.
Khi chị Mai thắc mắc về số tiền quá cao so với những món chị đã gọi thì được chủ quán trả lời là do mùa này cao điểm, phí thuê mặt bằng cũng tăng lên, nhân viên đi làm trong mấy ngày này cũng được trả thêm tiền nên quán có nâng giá cao hơn bình thường. Không muốn đôi co làm chuyến đi chơi của mình mất vui nên chị Mai ngậm ngùi trả đủ số tiền trong hóa đơn dù trong lòng rất ấm ức.
Trường hợp của chị Mai không phải là cá biệt. Mùa hè năm nay, gia đình chị Lan Hương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng lên Đà Lạt “đổi gió”. Nhà chị Hương cũng đi ăn đêm ở một quán chào gà với ba tô cháo và một đĩa thịt bị tính 1 triệu đồng. Chị Hương không đồng ý trả số tiền này vì cho rằng nó không hợp lý và cho chủ quán biết chị sẽ gọi đến cơ quan chức năng phản ánh tình trạng này. Ngay lập tức, chủ quán giảm số tiền phải thanh toán của chị xuống còn 200 ngàn đồng.
Lúc đầu, gia đình chị Hương bị hét giá 1 triệu đồng cho ba tô cháo và 1 đĩa thịt - Ảnh minh họa: Internet
Những lĩnh vực thường bị “chém đẹp” trong mùa du lịch cao điểm thường là dịch vụ ăn uống, khách sạn lưu trú, hàng lưu niệm… Theo đó, nếu như dịp bình thường, tiền phòng ở khách sạn, nhà nghỉ tại Đà Lạt, Vũng Tàu hay Phú Quốc… chỉ dao động ở mức 300.000 đến 500.000 đồng/phòng/ngày thì vào mùa lễ tết, mức giá ấy đội lên đến mức tiền triệu.
Trường hợp của anh Trần Vinh Quang (Q.2, TP.HCM) là một ví dụ. Anh Quang kể vào năm ngoái, anh đi du lịch ở Phú Quốc. Trước khi đi anh đã đặt phòng khách sạn qua mạng. Anh cũng đã cẩn thận xác nhận đặt phòng với khách sạn nhưng khi đến nơi thì đã hết phòng do khách quá đông. Nhân viên khách sạn gợi ý cho anh dùng một phòng không quạt, không máy nước nóng nhưng giá cao gấp đôi so với phòng anh đã đặt từ trước.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của báo Tuổi Trẻ thì có 90% ý kiến du khách cho biết họ đều phải tính mức giá cao hơn bình thường khi đi ăn ở nhà hàng, quán ăn mùa du lịch; 67,1% cho rằng họ trả tiền phòng đắt hơn vào mùa du lịch và 54,3% bị “hét giá” khi mua đồ lưu niệm.
Làm sao để không bị “chém”?
Chiêu thức “chém giá” ở những địa điểm kinh doanh chụp giật thường là ngấm ngầm tính phụ thu. Những bảng giá niêm yết có chăng chỉ là để che mắt cơ quan chức năng. Để không trở thành “con mồi” của những chỗ này, bạn hãy hỏi kỹ mức giá những món ăn sẽ dùng, quán có tính thêm phụ thu không... trước khi quyết định ăn uống tại nơi đó.
Du khách đừng ngại hỏi giá mỗi món ăn trước khi quyết định sử dụng để không bị "chém oan" - Ảnh minh họa: Internet
Hầu như có rất ít trường hợp du khách bị chặt chém báo tin cho cơ quan chức năng để xử lý và chấm dứt tình trạng này cho những khách đến sau. Nguyên nhân là vì họ chỉ muốn chuyến vui chơi của mình được suôn sẻ. Nhưng nếu du khách cứ “ngậm bồ hòn” rút tiền ra trả cho qua chuyện thì đã góp sức cho những người chặt chém có cơ hội hưởng lợi từ những người đến sau nữa. Điều này đã tạo tiền lệ xấu và lan rộng trong mảng du lịch ở Việt Nam nói chung.
Một cách khác được nhiều người áp dụng là nhờ người quen, bạn bè tại nơi mình sẽ đến hướng dẫn về các địa điểm ăn uống, nghỉ ngơi uy tín, chất lượng. Đây có vẻ là cách làm hiệu quả hơn cả vì người ở địa phương đã nắm được địa bàn và có những chỉ dẫn chính xác.
Với những ai không có người quen ở các điểm du lịch thì họ thường chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống mang theo. Mặc dù vậy, cách làm này không được nhiều người hưởng ứng vì phải mang theo nhiều đồ đạc. Thêm vào đó, khi đến một vùng đất mới, ai cũng muốn khám phá văn hóa ẩm thực và những món ngon nổi tiếng ở nơi đó.
Giải pháp được du khách mong đợi nhất hiện nay là cơ quan chức năng tăng cường xử phạt nghiêm những nơi “chặt chém” du khách dù mới vi phạm lần đầu.
KHÁNH HÒA (Tin8)