300 công nhân bị “nhốt” để tìm viên kim cương suốt 6 ngày trời!

Ngày đăng: 14/08/2015
8,100 Read
416 Share
Việc một phó tổng giám đốc người Nhật đã “nhốt” 300 công nhân trong suốt 6 ngày liền chỉ để tìm viên kim cương trị giá 20 triệu đồng đang gây nên 2 luồng tranh cãi trên mạng. Một luồng lên án vị quản lý này quá đáng và “quá rảnh” còn một nhóm khác thì cho rằng ông đã làm đúng!

Mất viên kim cương, Công ty Rudiam Sài Gòn đã bắt 300 công nhân ở lại tìm khiến nhiều người bức xúc - Ảnh: Internet

Mất viên kim cương, Công ty Rudiam Sài Gòn đã bắt 300 công nhân ở lại tìm khiến nhiều người bức xúc - Ảnh: Internet

Hàng trăm công nhân bị bắt tìm viên kim cương 

Sự việc xảy ra tại công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Rydiam Sài Gòn (chuyên gia công chế tác kim cương, quận Gò Vấp, TP HCM). Nguyên nhân của vụ việc là trong lúc đang gia công, nữ công nhân tên Hà (38 tuổi) bất cẩn làm viên kim cương thô (trị giá khoảng 20 triệu đồng) văng ra khỏi đĩa quay. Sau đó cô đã cố gắng tìm kiếm nhưng không được.

Khi xảy ra sự việc, Phó tổng giám đốc người Nhật Akira Sato đã yêu cầu nữ nhân viên cùng hàng trăm công nhân khác ở lại tìm đến nửa đêm và kéo dài đến 6 ngày sau. Trưa 13-8, quá bức xúc và mệt mỏi với yêu cầu của Phó tổng giám đốc, hàng trăm công nhân của công ty này đã đình công, phản đối một số yêu cầu của lãnh đạo, trong đó có việc tìm viên kim cương đã mất cách nay 6 ngày.

Đến chiều cùng ngày, khi hết giờ làm, Phó tổng giám đốc người Nhật yêu cầu toàn thể hơn 300 nhân viên công ty ở lại tìm đến 23 giờ, đóng cửa công ty không cho ai ra về. Người nhà của các công nhân bức xúc đã gọi điện báo công an phường.

Hàng trăm công nhân Công ty TNHH Rydiam Sài Gòn đình công, phản đối một số yêu cầu của lãnh đạo, trong đó có việc tìm viên kim cương đã mất cách nay 6 ngày - Ảnh: Hải Thuận

Hàng trăm công nhân Công ty TNHH Rydiam Sài Gòn đình công, phản đối một số yêu cầu của lãnh đạo, trong đó có việc tìm viên kim cương đã mất cách nay 6 ngày - Ảnh: Hải Thuận

Sau khi lực lượng chức năng có mặt, các công nhân được mở cửa cho về. Theo các công nhân, Phó tổng giám đốc không thống nhất việc trả tiền tăng ca cho họ trong thời gian tìm kiếm, mà còn đưa ra những chính sách cắt thưởng nếu ai làm văng kim cương ra ngoài hoặc không chuyên cần.

Cụ thể, làm văng kim cương ra ngoài (nhưng không mất) lần đầu sẽ cắt thưởng 100.000 đồng, lần thứ 2 là 200.000 đồng. Một tháng nghỉ 3 ngày sẽ cắt một phần tiền thưởng, xem xét thưởng cuối năm ở mức lương cơ bản (3,3 triệu đồng mỗi tháng). Hiện tổng thu nhập của một công nhân 5-6 triệu đồng mỗi tháng tùy theo năng suất làm việc.

Lãnh đạo đã quá cứng nhắc và rập khuôn

Sự việc trên đã nhận được hàng trăm ý kiến tranh luận của độc giả. Nhiều người sửng sốt, cho rằng cách hành xử của vị Phó tổng giám đốc người Nhật như vậy là quá đáng. "Việc công nhân phải có trách nhiệm tìm kiếm lại viên kim cương đó là đúng, nhưng nhốt họ đến khuya thì hơi quá. Chỉ một người làm mất mà mấy trăm người cũng vạ lây là không hợp lý”, một độc giả bức xúc.

Trước sự việc này, trợ lý của Phó tổng giám đốc người Nhật chia sẻ thay ông ấy rằng, ông muốn công nhân có trách nhiệm hơn với việc bảo quản kim cương. Giá trị của viên kim cương là một phần nhưng vì uy tín của công ty nên việc bảo quản đầy đủ khi giao lại cho đối tác là điều quan trọng nhất.

Giá trị của viên kim cương là một phần nhưng vì uy tín của công ty nên giám đốc người Nhật đã bắt công nhân ở lại tìm viên kim cương cho bằng được - Ảnh minh họa: Internet

Giá trị của viên kim cương là một phần nhưng vì uy tín của công ty nên lãnh đạo người Nhật đã bắt công nhân ở lại tìm viên kim cương cho bằng được - Ảnh minh họa: Internet

Nhiều độc giả cũng đồng tình với việc làm này của vị Phó tổng giám đốc: "Phải chăng họ đang muốn dạy cho công nhân bài học về kỷ luật lao động, thái độ với nghề nghiệp và kỷ cương của công ty?"; "Vấn đề ở đây không phải viên kim cương 20 triệu đồng hay 2 triệu đôla mà ở chỗ kỷ luật làm việc và uy tín trong kinh doanh. Tôi là quản lý doanh nghiệp tôi cũng sẽ bắt tìm bằng được, mất một lần sẽ có lần thứ 2, thứ 3, thứ 1.000... Cứ như vậy thì còn làm ăn gì nữa".

Tuy nhiên, “việc Sato bắt công nhân ở lại đến khuya, tìm nhiều ngày mà không được tính công. Như vậy là không đúng, khiến công nhân không phục và đình công”. Một trong những yếu tố của người lãnh đạo là tình người. Con người mới là thứ quý nhất. Trong trường hợp này, lãnh đạo đã quá cứng nhắc và rập khuôn khiến công nhân bất mãn, biểu tình, đó mới là tổn thất to lớn nhất của người lãnh đạo.

KHÁNH VÂN (Tin8)

8,100 Read
416 Share
(422)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang