
Nếu không được sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách, tính mạng của nạn nhân sẽ bị đe dọa nghiêm trọng - Ảnh minh họa: Internet
Các loại vỏ chai nước ngọt, nước suối có nhiều màu sắc nên dễ hấp dẫn con trẻ. Do tính hiếu động vốn có cộng với việc không có khả năng phân biệt đâu là hóa chất, đâu là đồ uống nên có nhiều trẻ đã uống nhầm hóa chất gây hậu quả đáng tiếc. Nếu người nhà tỏ ra hoảng loạn hoặc sơ cứu sai cách sẽ khiến tình trạng ngộ độc của nạn nhân trở nên trầm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Khi phát hiện trường hợp này, người lớn phải bình tĩnh xác định trẻ đã uống nhầm loại gì; liều lượng bao nhiêu để có thao tác sơ cứu chính xác vì mỗi loại hóa chất bị uống nhầm có cách xử lý khác nhau.
Uống nhầm xăng, dầu hỏa, axit, thuốc diệt cỏ hoặc chất tẩy rửa
Những hóa chất này được người dân sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Chúng thuộc nhóm dung dịch ăn mòn nên người nhà tuyệt đối không được gây nôn cho nạn nhân vì khi trẻ nôn, hóa chất đi ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có thể tràn vào khí quản làm tăng mức độ gây hại và làm bỏng thực quản. Nếu giữ được tính mạng thì trẻ cũng dễ bị viêm phổi vì hơi hóa chất đã xâm nhập vào hệ hô hấp.

Nếu trẻ uống nhầm xăng hoặc các loại dung dịch ăn mòn khác, người lớn tuyệt đối không sơ cứu bằng cách gây nôn - Ảnh minh họa: Internet
Người lớn nên lập tức cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng hoặc lau rửa miệng cho trẻ. Cách làm này làm giảm nồng độ axit và tránh tổn thương lan rộng sang cách vùng khác. Nếu trẻ cảm thấy cổ họng bị bỏng rát, người lớn phải cho uống một ít nước lọc trước khi đưa tới bệnh viện. Lưu ý là nên cho uống từ từ, tránh bị sặc khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Sau khi sơ cứu, người nhà phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cấp cứu.
Uống nhầm thuốc tây y
Hầu hết nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị ngộ độc thuốc tây là do sự vô ý của người lớn. Nếu trẻ uống nhầm thuốc ở hàm lượng cao sẽ dẫn đến ngộ độc cấp tính, dị ứng, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng…Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ có nguy cơ mất mạng.
Khi trẻ uống nhầm thuốc tây y, người lớn tuyệt đối không được cho nạn nhân nằm để tránh làm chất thuốc đang có trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Lúc này, giữ nạn nhân ngồi hoặc đứng thẳng là cách làm tốt nhất.

Khi trẻ bị ngộ độc thuốc tây y, người lớn phải nỗ lực gây nôn cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet
Sau đó, người nhà tiếp tục thao tác móc họng gây nôn rồi cho nạn nhân uống nhiều nước ấm và liên tục gây nôn để tống chất gây hại ra khỏi cơ thể. Trong trường hợp nạn nhân đã hôn mê, bất tỉnh thì người nhà vẫn phải cố gắng giữ nạn nhân đứng hoặc ngồi thẳng rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Người nhà lưu ý mang theo vỏ chai thuốc đã uống nhầm để bác sỹ có đủ thông tin và đưa ra hướng xử lý chính xác.

Các loại thuốc tây phải để xa tầm với của trẻ em - Ảnh minh họa: Internet
Cách tốt nhất để con trẻ không uống nhầm những chất gây hại là người lớn tuyệt đối không để hóa chất trong tủ lạnh vì bất kỳ lý do gì. Nếu là thuốc tây, bé rất dễ tưởng nhầm là những viên kẹo nên cha mẹ phải để xa tầm với của trẻ; cất thuốc trong tủ có khóa. Bất kỳ một loại thuốc nào không sử dụng nữa thì bạn phải nhanh chóng vứt bỏ, không nên đưa cho trẻ dùng làm đồ chơi.
KHÁNH HÒA (Tin8)