Gan được ví như “nhà máy năng lượng hoá học” của cơ thể, giúp thanh lọc độc tố; chuyển hóa thức ăn và dự trữ nhiên liệu; tổng hợp một số chất đạm, kiểm soát và bài tiết cholesterol, bài xuất mật… Tất cả những gì đưa vào cơ thể hầu như đều qua gan để sàng lọc, chế biến. Như vậy, chú trọng việc ăn uống cũng góp phần tạo nên một lá gan khoẻ mạnh.
Khi gan suy giảm chức năng, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau tức hạ sườn phải, da khô sẩn ngứa, mụn nhọt, xuất huyết dưới da, sợ mỡ, da và nước tiểu vàng. Y học cổ truyền cho rằng gan yếu lâu ngày thuộc thể can nhiệt tỳ thấp.
Nếu không chú ý điều trị, có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan và ảnh hưởng lớn đến các cơ quan khác. Ngoài việc điều trị, người bệnh nên chọn những món ăn bổ mát, kiện tỳ, thanh thấp nhiệt, lợi gan mật. Sau đây là một số rau củ quả tốt, giúp cải thiện chức năng gan:
1. Actisô
Vị ngọt, hơi đắng, tính mát, công năng mát gan, lợi mật, lọc máu, lợi tiểu.
Cách dùng: Dùng bông actiso tươi phối hợp thịt vịt hoặc thịt ngan trắng, gan heo hầm ăn hoặc sắc nước uống.
Người viêm gan, men gan tăng nên dùng.
2. Mướp đắng
Vị đắng, tính hàn, không độc; nấu chín công năng dưỡng huyết, mát gan, giải nhiệt.
Cách dùng: Phối hợp với thịt heo, huyết heo, nấm mèo băm nhỏ nhồi vào mướp, nấu canh ăn tuần vài lần.
Người nóng, mụn nhọt nên dùng. Không dùng cho người đang tiêu chảy, tỳ vị hàn.
3. Rau má
Vị đắng, tính hàn, không độc; công năng thanh nhiệt dưỡng âm, mát gan, giải độc, lợi tiểu.
Cách dùng: Phối hợp gan heo, huyết heo hoặc thịt cá lóc, cá rô nấu canh ăn.
Thích hợp với người viêm gan, da khô sần, xuất huyết dưới da.
4. Cải củ
Vị ngọt, tính bình, không độc; công năng mát phế, kiện tỳ hóa đàm tiêu thực giải độc.
Cách dùng: Phối hợp cà rốt, nấm hương, ngưu bàng mỗi vị 50g hầm canh ăn hoặc phối hợp thịt vịt, dạ dày heo gia vị vừa đủ hầm ăn.
Thích hợp người bụng đầy, chậm tiêu, ho đàm, gan tỳ yếu.
5. Cải soong
Vị cay, tính mát, không độc; công năng kiện tỳ, mát gan, lợi mật, thông tiểu tiện.
Cách dùng phối hợp gan heo hoặc dạ dày heo, gia vị vừa đủ xào ăn; kết hợp với thịt heo, cá quả (cá lóc) nấu canh ăn.
Người suy nhược mệt mỏi nên ăn.
6. Cải cay (cải canh, cải bẹ xanh)
Vị cay ấm không độc; công dụng thông lợi niệu, thông kiếu, an thận, lợi đàm.
Cách dùng: Phối hợp gan heo hoặc dạ dày heo xào ăn; kết hợp với thịt cá rô, cá lóc nấu canh hoặc cải muối chua om cá chép ăn.
Người gan yếu, can tỳ phế hư, đàm thấp nên dùng.
7. Khoai tây
Vị ngọt, tính bình, không độc; công năng hòa vị, kiện tỳ, ích khí.
Cách dùng: Phối hợp thịt ngan trắng, thịt vịt, gan heo, dạ dày heo, gia vị vừa đủ hầm ăn.
Người gan yếu có can tỳ hư (ăn không ngon hay rối loạn tiêu hóa nên dùng).
8. Bí đao
Vị ngọt, tính mát, không độc; thanh nhiệt, trừ phiền nhiệt, tiêu phù, thông tiểu tiện.
Cách dùng: Phối hợp thịt vịt hoặc gan heo, gan động vật nấu canh ăn.
Thích hợp với người bị chứng nội nhiệt, chứng gan yếu.
Kiêng cữ: bí đao tính hàn không dùng cho người đang bị tiêu chảy.
9. Đậu đỏ
Vị chua, tính bình, không độc; công năng thông tiểu, trừ bụng báng, tiêu sưng đau.
Cách dùng: Phối hợp với cá chép, ba ba gia vị vừa đủ om ăn.
Người viêm gan, xơ gan, chân tay phù, bụng báng, tiểu tiện không thông...