Vụ nước giặt giẻ lau bảng: Chưa bao giờ cho con đi học mà phụ huynh lại sợ hãi nhiều điều đến vậy!

Ngày đăng: 06/04/2018
3,637 Read
252 Share
Suốt cả buổi chiều hôm ấy, khi thông tin cô giáo chủ nhiệm ép học sinh của mình uống nước giặt giẻ lau bảng rộ lên làm tôi cứ bần thần, run sợ. Bởi tôi đã là mẹ. Con tôi lớn lên cũng phải đến trường như bao đứa trẻ khác. Liệu rằng những kịch bản tương tự có tiếp tục xảy ra? Và nạn nhân có phải là con tôi hay không?

nước giặt giẻ lau bảng, trường tiểu học An Đồng, cô giáo bất nhân, Tin8, bạo lực học đường

Trường học phải là nơi ghi dấu những ký ức thiêng liêng, tốt đẹp về tình cảm thầy trò

Thời tôi đi học, mọi thứ khó khăn hơn nhưng không đáng sợ như bây giờ. Trường học trong ký ức tuổi thơ tôi là nơi ghi dấu những điều thiêng liêng, tốt đẹp. Tình cảm thầy trò khắng khít. Sự hồn nhiên, nghịch ngợm tuổi nhỏ khiến tôi có đôi lần bị phạt, cũng là đòn roi nhưng sao bây giờ nghĩ lại tôi cứ thấy nó ngọt ngào. Có thể nói, cùng với sự giáo dục của gia đình thì chính những lẫn đòn roi đích đáng của thầy cô hồi đó là hành trang để tôi nên người. Tuy nhiên, tôi không cổ xuý chuyện thầy cô lạm dụng đòn roi khi giáo dục con trẻ. Vấn đề là sau mỗi lần trách phạt đó, ký ức của tụi nhỏ sẽ đọng lại những gì? Bài học đạo đức hay chỉ là những ám ảnh khủng khiếp?

Trường học – dù ở thời đại nào đi nữa cũng phải là nơi nuôi dưỡng và phát triển nhân cách con người. Đó phải là nơi chuẩn mực cho mọi giá trị đạo đức. Nếu đã chọn ngành giáo, những người được xã hội gọi là thầy, là cô phải ý thức được vai trò của mình trong sứ mệnh ấy. Thế nhưng không hiểu tại sao, trước khi quyết định đưa con đến một tổ chức giáo dục nào đó; dù là công lập hay dân lập, tôi thấy phân vân và lo lắng thật nhiều điều. Lo con mình có bị phân biệt đối xử không? Con mình có được sử dụng sữa, đồ ăn an toàn không? Con mình có bị cô giáo đánh đập, ngược đãi không? Lúc nghịch ngợm với bạn bè khiến cô không hài lòng, con có bị trách phạt bằng những hình thức quá tàn nhẫn như vụ cô giáo ép học sinh uống nước giặt khăn lau bảng như vừa rồi không?

nước giặt giẻ lau bảng, trường tiểu học An Đồng, cô giáo bất nhân, Tin8, bạo lực học đường

Phụ huynh đang có quá nhiều thứ sợ hãi cho 1 quyết định tưởng chừng đơn giản - con đến tuổi phải cho đến trường đi học

Quá nhiều thứ sợ hãi cho một quyết định tưởng chừng đơn giản – con đến tuổi phải cho đến trường đi học. Càng sợ tôi càng thúc giục mình phải nhanh chóng tìm ra cách dạy con biết chống lại những điều vô lý. Tôi hỏi những người làm mẹ xung quanh tôi rằng làm sao để dạy con biết nếu bị cô giáo ép uống nước bẩn, con phải đứng dậy ra khỏi lớp, tìm đến phòng hiệu trưởng để trình bày hoặc yêu cầu cô giáo gọi điện thoại cho ba mẹ. Nhất định không được để người khác xâm hại đến sức khoẻ và tinh thần của con. Chúng ta – là người lớn thì điều ấy quá dễ dàng. Nhưng với một đứa trẻ, làm sao chúng hành động được như lời chúng ta vừa nói? Ai cũng lập lờ, hoang mang bảo rằng có quá nhiều nguy cơ với con nhỏ. Họ cũng không biết phải giáo dục từ đâu L

Sự việc diễn ra từ tháng 2 nhưng mãi đến hơn 1 tháng sau mới bị báo chí phanh phui. Nếu giới truyền thông không lên tiếng, có lẽ đứa bé kia phải âm thầm gánh chịu mọi rủi ro có khả năng cao sẽ xảy đến với sức khoẻ và tâm lý của em. Chả phải thế sao? Suốt 1 tháng trôi qua, tối nào em cũng khóc một mình với câu hỏi “sao cô ác với mình thế?” cứ lởn vỡn trong đầu.

nước giặt giẻ lau bảng, trường tiểu học An Đồng, cô giáo bất nhân, Tin8, bạo lực học đường

Gia đình em đang đơn độc khi tự mình trấn an tâm lý con trẻ; tự mình đưa con đi kiểm tra sức khoẻ

Hôm nay chuyện được lên báo, ngày mai em đi học gặp ngay sự lạnh nhạt của bạn bè trong lớp. Thậm chí, em còn bị bạn bè doạ sẽ tẩy chay. Vì sao vậy? Từ một nạn nhân mà giờ em bị những người xung quanh đối xử như tội đồ. Một ngày trôi qua, chưa thấy bất kỳ tổ chức bảo vệ trẻ em nào lên tiếng. Gia đình em đang đơn độc khi phải tự mình trấn an tâm lý con trẻ; tự mình dẫn con đi kiểm tra sức khoẻ. Vậy mà chúng ta cứ nghe mãi thông điệp “chung tay bảo vệ trẻ em” ra rả bên tai.

Nói với cô giáo! Rồi đây cô sẽ là mẹ. Nếu con của cô bị giáo viên trách phạt theo kiểu tàn nhẫn, độc hại như vậy, cô có đau xót không? Cô sinh ra trong gia đình có truyền thống giáo dục. Vậy có bao giờ cô được cha mẹ mình dạy rằng dùng quyền lực để ép một đứa trẻ làm điều gây hại đến sức khoẻ và tâm lý của nó là bất nhân, là tội ác không? Cô vẫn còn rất may mắn vì sinh ra ở Việt Nam – nơi hành vi tàn nhẫn của cô chỉ bị kỷ luật, cho thôi dạy. Nếu cô sống ở những đất nước phát triển – nơi quyền trẻ em được bảo vệ tuyệt đối bằng hành động chứ không chỉ là những khẩu hiệu suông thì cô sẽ bị tù “mọt gông”. Cô biết không?

KHÁNH HOÀ

3,637 Read
252 Share
(321)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang